Dân Việt

Tự tin làm ăn sau học nghề

26/07/2012 09:52 GMT+7
(Dân Việt) - Dạy những nghề thu hút nhiều lao động, những nghề ND có nhu cầu, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương là hoạt động đang được Trung tâm Giới thiệu việc làm (GTVL) thuộc Hội ND tỉnh Thừa Thiên - Huế chú trọng.

Với việc tổ chức dạy nghề như vậy, sau khi học xong, nhiều học viên đã tự tin đầu tư mở rộng quy mô trồng trọt, chăn nuôi...

img
Một buổi thực hành của các học viên lớp trồng và chăm sóc cây cảnh ở xã Hương Phong, thị xã Hương Trà.

Lớp học gần nhà

Chúng tôi có mặt tại Lễ khai giảng lớp đào tạo nghề chăn nuôi thú y cho 31 học viên ND trên địa bàn xã Hải Dương, thị xã Hương Trà.

Ông Quỳnh Quang - Chi hội trưởng Hội ND thôn Vĩnh Trị, lớp trưởng, không giấu được niềm vui: "Từ lúc biết thông tin Trung tâm Giới thiệu việc làm Hội ND tỉnh phối hợp với Hội ND xã tổ chức dạy nghề chăn nuôi thú y, tôi rất mừng. Có kiến thức thì sẽ hạn chế được rủi ro trong quá trình chăn nuôi, hơn nữa lại được học gần nhà.

“Chị Hồ Thị Thảo (thôn Vĩnh Trị), học viên lớp học chăn nuôi thú y cho biết: "Trước đây, tôi chưa bao giờ được học nghề chăn nuôi thú y. Khi cán bộ Hội ND xã báo tin mở lớp đào tạo nghề chăn nuôi thú y miễn phí, tôi liền đăng ký đi học. Ba tháng nữa kết thúc khóa học, được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề, tôi sẽ đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi".

Còn anh Trương Ngọc An (ở thôn Hòa Bình, xã Bình Thành, thị xã Hương Trà) đang theo học lớp đào tạo nghề thu hoạch mủ cao su, tâm sự: "Gia đình tôi có hơn 2ha cao su. Trồng cao su mà chỉ có kinh nghiệm thôi chưa đủ. Sau 3 tháng học, chắc chắn tôi có kiến thức cơ bản về kỹ thuật cạo, lấy mủ cao su, cách cầm dao, thao tác cạo...".

Cùng lớp với anh An, anh Trần Sơn Hoàng (thôn Hòa Cát) cho biết: "Gia đình tôi có 1ha trồng cao su, đã được 2 mùa thu hoạch. Trước đây, vào mùa thu hoạch, vấn đề gia đình tôi lo nhất là kỹ thuật cạo và bảo quản mủ cao su. Đi học, tôi mới biết do cách cạo, độ sâu chưa đúng nên gây tổn thương cho cây và lượng mủ được ít. Tham gia khóa học, tôi không chỉ được học lý thuyết mà còn được thực hành. Mùa thu hoạch mủ cao su này, chắc chắn tôi sẽ làm đúng quy trình kỹ thuật".

Dạy theo nhu cầu

Đào tạo những nghề để giúp ND chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ lệ lao động nông thôn; dạy những nghề thu hút nhiều lao động; những nghề giúp ND nhàn rỗi sau mùa vụ có việc làm... được Trung tâm GTVL tỉnh chú trọng. Theo đó, Trung tâm đã chỉ đạo các địa phương tổ chức khảo sát, thống kê nhu cầu học nghề của ND; những nghề có thể áp dụng tại gia đình... Từ đó, xây dựng kế hoạch mở các lớp học nghề phù hợp.

“Ba tháng kết thúc khóa học, được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề, tôi sẽ đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi".

Ông Trương Văn Thủy-Giám đốc Trung tâm GTVL cho hay: Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã mở 6 lớp dạy nghề, gồm 2 lớp may công nghiệp, 2 lớp trồng hoa cây cảnh; 1 lớp cạo mủ cao su và 1 lớp chăn nuôi thú y cho gần 200 lao động nông thôn .

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm Trung tâm mở tiếp 10 lớp đào tạo nghề cho khoảng 350 học viên có nhu cầu. Sau khi tham gia khóa học, họ sẽ làm chủ được kỹ thuật và chủ động phát triển chăn nuôi, trồng trọt tại gia đình. Theo ông Thủy, để các lớp học đạt hiệu quả cao, ý thức học tập của học viên cũng là yếu tố quan trọng quyết định.