Sự thờ ơ được báo trước
Trước hội diễn, ai biết khán giả ở Huế sẽ không mặn mà với Liên hoan sân khấu kịch tổ chức trong suốt gần nửa tháng. Bởi Huế chẳng có đoàn kịch nói, người Huế chỉ thích coi đá bóng, cùng lắm là đi xem phim, ca nhạc, chứ ít người quan tâm đến kịch. Những suất diễn đông người xem chỉ tính trên đầu ngón tay, đó là 2 vở “Làm...”, “Nước mắt người điên” của Sân khấu Kịch Phú Nhuận (TP.HCM) và vở “Chúa nhẫn và những chiến binh vũ trụ” của cặp Xuân Bắc- Tự Long, còn trên 20 vở còn lại thì khán phòng đều vắng hoe.
Cảnh trong vở “Nước mắt người điên” của Sân khấu Kịch Phú Nhuận. |
Khán giả thờ ơ đã đành, mà nghệ sĩ thực tế cũng chẳng mặn mà với những vở diễn của đồng nghiệp. Cũng có chỗ khó bởi vì thời gian diễn ra liên hoan quá dài, các sân khấu xã hội hóa chỉ sấp ngửa đến với liên hoan, trình diễn xong vở của họ là lại đồng loạt rút về, phần vì lịch diễn ở nhà, phần vì tiền đâu mà cho cả mấy chục con người ăn dầm nằm dề ở Huế.
Nói liên hoan là dịp để gặp gỡ, cọ xát, trao đổi kinh nghiệm làm nghề cũng chỉ là những mỹ từ nói cho vui tai, vì họ diễn xong vở của mình là nhanh chóng ra về, thời gian đâu mà xem đồng nghiệp diễn thế nào để học hỏi.
Sự thờ ơ này không phải Ban tổ chức không biết, nhưng ông Vương Duy Biên- Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn đã lý giải: “Đưa Liên hoan sân khấu kịch về Huế, chúng tôi biết sẽ có nhiều khó khăn, khán giả ở Huế không nồng nhiệt với kịch như ở Hà Nội và TP.HCM, nhưng chẳng lẽ vì thế mà người Huế lại không được quyền thưởng thức kịch?”.
Nhưng nói gì thì nói, chỉ vì chủ trương muốn “phân bổ” các liên hoan về với địa phương, không tập trung ở các thành phố lớn mà nghệ thuật ở ta cứ chịu phận long đong như gánh hát rong, hết điện ảnh, ca nhạc lại đến sân khấu, mỗi dịp liên hoan, thay vì để nâng được tính chuyên nghiệp trong tổ chức thì lại cứ làm à uôm rồi... rút kinh nghiệm.
“Đoàn của tôi phải diễn buổi sáng, các anh em đều than trời. Sân khấu kịch thường diễn vào buổi tối, xếp lịch thi vào 9 giờ sáng, khẩu hình diễn viên còn chưa mở được đúng “cữ” nên cũng khá ảnh hưởng đến chất lượng”- nghệ sĩ Phước Sang - Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Giải trí Phước Sang cho hay.
Chỉ có một đường ray
Thánh đường sân khấu được gì sau mỗi cuộc liên hoan? Có lẽ liên hoan chỉ là dịp để nghệ sĩ kiếm huy chương nhằm sau này đưa vào hồ sơ xin xét danh hiệu NSND, NSƯT. Liên hoan chỉ là một dịp để các nhà hát của Nhà nước trình diễn báo cáo với cấp quản lý rằng mình đang hoạt động, đang tồn tại chứ chưa đến nỗi “chết” trong lặng im. Hai nhận định này tuy chua chát nhưng có vẻ không phải là không sát với thực tế.
Câu hỏi này không nói ra ai cũng có câu trả lời, rằng những cái được chỉ ở bề nổi, hàng loạt các nghệ sĩ sẽ có thêm huy chương, nhưng có cái gì thêm được ở nghề nghiệp khi mà chính họ cũng chẳng buồn đi xem nhau diễn? Các nhà hát sau kỳ cuộc này, lại trở về với đúng đường ray của mình. Đoàn nhà nước thì vẫn dựng vở theo kế hoạch, đoàn tư nhân thì bằng mọi giá để kéo khán giả đến với rạp, kể cả bằng những màn cảnh nóng phô phang quá mức như của Kịch Phú Nhuận ở liên hoan lần này.
Hà Thu