Tấm bản đồ cuộc chiến
Ông Quy có một tài sản đặc biệt là “tấm bản đồ sống” chiến trường Quảng Trị. Tấm “bản đồ” chi tiết theo từng ngày, từng tháng của từng đơn vị trong cuộc chiến trên mảnh đất đẫm máu này. Tấm bản đồ ấy được vẽ bằng máu của ông và những đồng đội trong suốt 5 năm (1967 – 1972) khi ông thuộc biên chế của Đại đội Biệt động Quân Giải phóng Quảng Trị. Đơn vị của ông hoạt động trong vùng giữa hàng rào điện tử Mc Namara và khu “thị xã lính ngụy” Đông Hà với nhiệm vụ được giao “ăn cơm dân, bám chặt địch”.
Ông Nguyễn Văn Quy (ngồi giữa) hướng dẫn thân nhân liệt sĩ tìm mộ. |
Mỗi lần giúp một ai tìm mộ liệt sĩ là một lần ông lại lập nên một bộ bản đồ trận đánh cuối cùng mà liệt sĩ đó tham gia. Tấm bản đồ được lập bằng cách tìm bằng được những đồng đội còn sống của liệt sĩ, cùng họ “vẽ” từng nét chi tiết. Tôi được ngồi xem ông thiết lập “bản đồ mộ chí” giúp một phụ nữ đi tìm cha. 40 năm ký ức từ thuở còn thơ được ông khơi lại từng bước để tìm dần những đồng đội của người cha đã khuất.
Những người chị đã biết, cả những người “mang máng nhớ” vì đã từng đến nhà thắp hương cho liệt sĩ. Bộ danh sách ấy mỗi lúc một dài, từ số điện thoại này sang số điện thoại khác. Hơn 2 giờ “vật nhau” với chiếc điện thoại, tấm bản đồ gần chi tiết trận đánh, nơi chôn cất liệt sĩ được phác nên. Rồi với tư cách người lính, ông đề nghị đồng đội cũ vào Quảng Trị tham gia cùng gia đình đến thực địa để tìm kiếm.
Hơn 30 năm sau ngày giải phóng, chuyển ngành rồi nghỉ hưu, ông Quy đã giúp bao nhiêu gia đình tìm mộ, chính ông không nhớ. Có người ước tính con số đó lên đến hàng ngàn trường hợp. Cũng không biết tự năm nào ông được những cán bộ trong ngành LĐTBXH Quảng Trị mặc nhiên coi như chuyên gia, cố vấn tìm mộ liệt sĩ.
Ngôi nhà nhỏ của gia đình ông ở số 4, ngõ 108, phố Lê Thế Hiếu, TP. Đông Hà hầu như ngày nào cũng có khách, những người khách đặc biệt, mắt thường ngân ngấn lệ. Trong những người khách đến với ông, không ít người ông lại “mang nợ” khi chưa thể giúp họ tìm được thân nhân. Có người ông “nợ” đến hơn 5 năm, giờ vẫn chưa trả được.
Phản biện nhà ngoại cảm
Ông Quy là người rất tin vào đời sống tâm linh. Có lần ông giúp một phụ nữ đi tìm mộ cha, sau chặng đường rất dài, xác định liệt sĩ ấy đã được chuyển vào nghĩa trang, nằm trong số những ngôi mộ vô danh, người con suốt mấy ngày ở lại trong nghĩa trang, ngồi bên từng ngôi mộ để trò chuyện rồi khẳng định với ông: “Không có mộ cha ở đó”. Ông cùng chị lại phải lần ngược đến khu chôn cất ban đầu để tìm kiếm.
Linh cảm kỳ lạ của người con đã đúng, ngôi mộ cha chị vẫn còn sót lại chưa được chuyển. Chặng đường giúp người thân liệt sĩ đi tìm mộ, ông luôn cảm nhận được sự “ủng hộ” của những liệt sĩ, nhưng ông cũng là người phản biện khắt khe nhất đối với những thông tin đến từ các nhà ngoại cảm. Ở Nhà khách đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh Quảng Trị, các cán bộ ở đây rất “sợ” những thân nhân đi tìm mộ bằng ngoại cảm.
Anh Nguyễn Minh Hoàn - Giám đốc nhà khách cho biết: “Dù quy định không cho phép dùng ngoại cảm tìm mộ liệt sĩ, nhưng cũng không thể lắc đầu với những trường hợp này được, con người với nhau cả, khó lắm”. Những trường hợp ấy anh em phải cố gắng “phản biện”, để loại đi những sai sót đáng tiếc. Một trong những chuyên gia được “thỉnh” để phân tích là ông Quy.
Đợt gia đình liệt sĩ Lương Xuân Bẩm ở Cục Hậu cần vào tìm mộ, theo hướng dẫn của nhà ngoại cảm, mộ anh Bẩm nằm ở khu động Ông Gio (huyện Triệu Phong). Xem những thông tin có được, ông Quy khẳng định thông tin nhà ngoại cảm sai, mộ anh Bẩm phải ở khu vực xã Hải Lệ, huyện Hải Lăng (Quảng Trị).
Ông Quy cùng gia đình liệt sĩ đến xã Hải Lệ, tìm được đồng chí xã đội phó có biết mộ anh Bẩm rồi lại tìm người cất bốc đưa anh về nghĩa trang, tìm được mộ cùng với di vật của liệt sĩ Lương Xuân Bẩm, gia đình mừng … hú vía. Chuyến đi ấy, ông “lãi to” vì xác định thêm được tên cho 3 liệt sĩ vô danh trong Nghĩa trang huyện Hải Lăng.
Bài 5: Tìm hạt cát trong sa mạc
Xuân Trường - Phan Phương