Ngày 25.7, trao đổi về vụ 12 thuyền viên bị bắt giữ tại Somali mới được về nước chiều 24.7, ông Nguyễn Xuân Tạo - Trưởng phòng Quản lý lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết đây không phải là lần đầu tiên thuyền viên Việt Nam bị hải tặc bắt giữ. Tuy nhiên, đây là vụ việc đàm phán dài nhất giữa các cơ quan chức năng với hải tặc.
Nước mắt hạnh phúc của người thân thuyền viên Hồ Xuân Hương trong ngày hội ngộ |
Theo ông Tạo, tạm thời Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã bàn bạc phương án giải quyết chế độ cho các lao động này. Trước mắt, các doanh nghiệp đưa lao động đi nước ngoài làm việc hỗ trợ lao động 1 triệu đồng về quê. Sau một thời gian, khi các lao động đã bình tâm thì chủ tàu và doanh nghiệp sẽ tiến hành thanh lý hợp đồng cho các lao động.
Trong trường hợp các chủ tàu không còn đủ nguồn lực thì Cục sẽ đứng ra yêu cầu các doanh nghiệp thanh lý để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã công khai các doanh nghiệp đưa thuyền viên đi xuất khẩu lao động. Trong số 12 thuyền viên Việt Nam, 4 thuyền viên do Công ty Inmasco đưa đi; 7 thuyền viên do Trung tâm Xuất khẩu lao động (thuộc Công ty Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Hà Nội - Servico Hà Nội) đưa đi và 1 thuyền viên từ Công ty TNHH một thành viên Vạn Hoa.
Thông tin từ phía doanh nghiệp (đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước kiểm chứng) thì trước đó, kể từ khi lao động bị cướp biển Somalia bắt, hàng tháng các doanh nghiệp vẫn gửi tiền lương về cho người thân các thuyền viên tại quê. Riêng 4 tháng tiền lương sau cùng còn nợ, doanh nghiệp sẽ tính toán để chi trả sau vì thời gian này chủ tàu phải tập trung tiền chuộc đưa cho hải tặc.
Minh Nguyệt