Dân Việt

Nhiều “địch thủ” cùng tấn công, cà phê giảm sản lượng

14/08/2012 09:57 GMT+7
(Dân Việt) - Có ý kiến cho rằng do thời tiết năm nay không thuận lợi nên năng suất cà phê không cao. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng thời tiết chỉ là một trong những nguyên nhân...

Sản lượng cà phê năm nay của Lâm Đồng dự kiến sẽ không đạt đến 350.000 tấn như kế hoạch. Có ý kiến cho rằng do thời tiết năm nay không thuận lợi nên năng suất cà phê không cao. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng thời tiết chỉ là một trong những nguyên nhân.

Xong vụ thu hoạch vừa qua, ở giai đoạn cà phê trổ bông đợt 1 (cà phê thường trổ bông 3 đợt trong năm), trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng lại xảy ra mưa sớm. Tiếp đến, đúng vào lúc cà phê trổ bông đợt 2 và đợt 3, Lâm Đồng liên tiếp “đón” những trận mưa có tính quyết định đến việc ra hoa và kết trái của loại cây trồng này.

img
Một vườn cà phê ghép ở huyện Bảo Lâm cho năng suất lên đến 10 tấn/ha – cao gấp 5 lần so với năng suất bình quân chung của cà phê tỉnh Lâm Đồng.

Anh KSét ở xã Đinh Trang Thượng (huyện Di Linh) trồng đến 14ha cà phê, nói: “Cả ba đợt ra bông của cà phê đều “dính” mưa nên năm nay năng suất cà phê nhà tôi và nhiều nhà khác cũng vậy. Nếu giá cả tăng lên chút đỉnh thì còn bù lại được, bằng không, nhiều hộ dân thất thu. Đó là chưa kể các loại sâu bệnh hiện cũng đang hoành hành mạnh trên loại cây trồng này”.

Ở Lâm Đồng, một khi mùa mưa đến sớm thì cà phê niên vụ đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng: Rụng bông, tỷ lệ đậu quả thấp, trái non bị hỏng, sâu bệnh nhiều… Theo một số cán bộ ngành nông nghiệp, hễ năm nào mưa sớm và mưa kéo dài, đặc biệt là mưa lớn đúng vào các đợt ra hoa của cà phê thì năng suất cà phê niên vụ đó giảm sút đáng kể. Dự báo năm nay, năng suất cà phê Lâm Đồng có thể giảm từ 5 – 15% so với niên vụ vừa qua.

Hiện tượng đáng quan tâm trong vài năm qua ở Lâm Đồng là dịch hại xuất hiện trên cây cà phê khá dày: Khô cành, vàng lá, rỉ sắt, sâu đục thân…; diện tích bị nhiễm bệnh cũng tăng từ vài trăm ha lên vài ngàn ha và lúc này là vài chục ngàn ha. Cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng trong những năm qua đã nghiên cứu và đưa ra nhiều giải pháp để phòng trừ dịch hại trên cây cà phê nhưng dường như việc “nhiễm bệnh” trên loại cây trồng này lại được nông dân xem như là chuyện… đương nhiên.

Theo các nhà chuyên môn, ngoài yếu tố thời tiết khiến cho các loại bệnh trên cây trồng nảy sinh thì vấn đề cây giống không đủ khả năng kháng bệnh cũng là điều rất đáng quan tâm. Trong thực tế, việc Lâm Đồng hiện có đến 40.000ha cà phê già cỗi và khoảng 20.000ha cà phê khoảng 20 năm tuổi “chưa già nhưng đã cỗi” (trong tổng số 143.000ha của cả tỉnh), có khả năng kháng bệnh kém, khả năng lây lan bệnh mạnh… là điều rất đáng quan tâm.

“Với một “nền tảng” như thế, nếu không sớm cải tạo, cà phê Lâm Đồng sẽ thiếu nền tảng bền vững để phát triển giống như một vài quốc gia khác” – một cán bộ chuyên môn của Sở NNPTNT Lâm Đồng phát biểu.