Dân Việt

Tránh siêu âm điều trị khi đang "đèn đỏ"

26/07/2012 19:22 GMT+7
Siêu âm điều trị được phát minh vào những năm 1940 nhưng đến những thập niên gần đây mới được ứng dụng rộng rãi trong điều trị, đặc biệt trong các bệnh về khớp, gân, cơ.

Trong bệnh viêm xương khớp, sóng siêu âm tác động lên các vùng khớp bị thoái hóa giúp cải thiện tổn thương tại khớp. Kết quả là người bệnh có thể cảm nhận được qua thuyên giảm các triệu chứng đau khớp, cứng khớp nhanh chóng sau vài lần siêu âm trị liệu. Cách đưa sóng siêu âm vào cơ thể cũng sẽ khác nhau nhằm mục đích mang hiệu quả cao nhất cho người bệnh.

Có 2 loại chính của siêu âm điều trị là nhiệt và cơ học, đều sử dụng sóng âm thanh tạo ra thông qua một đầu phát sóng siêu âm để thâm nhập các mô. Sự khác biệt giữa 2 loại điều trị siêu âm chính là dạng sóng âm thâm nhập các mô.

Cụ thể: Điều trị bằng siêu âm nhiệt sử dụng dạng liên tục của các sóng siêu âm tạo rung động nhỏ trong các phân tử mô sâu, tăng nhiệt và ma sát, hiệu ứng nhiệt giúp các mô hồi phục qua tăng trao đổi chất ở cấp độ tế bào. Điều trị siêu âm cơ học thì sử dụng các xung sóng tần số biến đổi để thâm nhập các mô, giúp làm giảm phản ứng viêm, giảm sưng tại mô mang lại hiệu quả giảm đau nhanh tại mô mềm hay khớp bị tổn thương.

Theo Hiệp hội Thuốc và Thực phẩm Mỹ, siêu âm điều trị được coi là an toàn, mang lại hiệu quả tốt như sử dụng thuốc, khi sử dụng đúng chỉ định sẽ mang lại hiệu quả tối ưu trong điều trị các bệnh lý như tổn thương mô mềm, khớp qua tác động trên chuyển hóa tại mô sâu dưới da đến 5 cm. Siêu âm trị liệu tốt trong các trường hợp: thoái hóa khớp, sẹo lồi, chấn thương mô không rách da…

Tuy nhiên, cần nhớ rằng siêu âm điều trị chống chỉ định đối với siêu âm vùng bụng, vùng quanh mắt, ngực, cơ quan sinh dục, phụ nữ đang hành kinh hoặc mang thai, vùng mô tổn thương có rách da hoặc gãy xương, khu vực có khối u ác tính. Ngoài ra, cũng không được sử dụng cho những người có mang máy tạo nhịp tim.

Theo Người Lao Động