Cụ thể, bé L.B.N (Yên Mỹ, Hưng Yên) nhập viện ngày 23.7 trong tình trạng sốt cao, sưng đau vùng cổ, không ăn được. Bố mẹ cháu cho biết, cháu có biểu hiện hóc xương khi ăn cháo cá.
Gia đình đưa cháu vào trạm y tế xã, cán bộ y tế đã đưa bông gạc vào miệng cháu, với ý định cho xương trôi xuống, nhưng xương cá càng đâm mạnh hơn khiến bé N. đau đớn, nôn ra máu. Gia đình vội đưa cháu xuống BV Nhi Trung ương.
Những dị vật mà trẻ nuốt phải do các bác sĩ BV Nhi Trung ương gắp ra |
Các bác sĩ đã tiến hành nội soi, phát hiện 2 mẩu xương cá găm vào vùng xoang, vết thương đã phù nề và có mủ, đã tiến hành nội soi gắp xương thành công. Hiện nay, bé N đã hết sốt, có thể ăn được.
Theo bác sĩ Lợi, cách đó vài hôm, các bác sĩ khoa Tiêu hóa cũng đã nội soi gắp xương cá cho bé T.T.Y (20 tháng tuổi, Tuyên Quang). Mẹ bé cho biết, sau khi ăn cháu, bé Y có các biểu hiện đau đớn, quấy khóc, không ăn được, uống nước là nôn.
Gia đình cho cháu vào BV tỉnh chụp X. quang nhưng không tìm được nguyên nhân. Còn tại BV Nhi Trung ương, các bác sĩ chụp X.Quang và phát hiện dị vật. Sau khi nội soi kỹ hơn, phát hiện mẩu mang cá mắc ở đoạn thực quản cổ trên, vết xương cắm đã bị loét và có mủ.
Bác sĩ Lợi cho biết, đối với trẻ nhỏ bị hóc dị vật, các bác sĩ phải thao tác khéo để tránh tổn thương cho trẻ. Nếu không, sẽ xảy ra các biến chứng như vật cắm sâu hơn, thủng thực quán, chảy máu…
Khoa Nội soi đã gặp rất nhiều trường hợp hóc dị vật của trẻ, với nhiều vật dụng nhỏ như xương cá, kim băng, cắt móng tay, nhẫn, kim khâu, hạt nhãn, đồng xu… Nếu dị vật lớn có thể gây tắc đường thở và tử vong. Vì thế, các bậc phụ huynh cần kiểm soát được các vật dụng, tránh cho trẻ cầm nắm, đưa vào miệng.
Khi cho trẻ ăn, cũng không nên ép con ăn lúc con khóc, cười vì dễ bị sặc. Còn nếu trẻ nuốt phải dị vật, tránh móc họng trẻ cho dị vật ra, vì cách này càng khiến dị vật trôi sâu hơn, gây tổn thương thực quản của trẻ. Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế có khả năng chiếu chụp, nội soi và gắp được dị vật của trẻ.
Tuấn Kiệt