Dân Việt

Chấp nhận tốn kém để lấy tiếng thơm

27/07/2012 06:39 GMT+7
(Dân Việt) - Với tổng kinh phí đầu tư lên tới hơn 9,3 tỷ bảng, nước Anh đã thể hiện rõ quyết tâm “chơi sang” để tổ chức thành công Olympic London 2012...

Bài học mang tên “Hy Lạp”

Cách đây 8 năm, Hy Lạp đã tổ chức Olympic Athens 2004 rất hoành tráng với tổng kinh phí đầu tư lên tới 12 tỷ bảng. Đó cũng là kỳ Olympic được đánh giá là ấn tượng và tốn kém nhất tính đến thời điểm đó, khi nước chủ nhà đã chi nhiều hơn… 10 tỷ bảng so với dự kiến ban đầu.

img
Tòa tháp Arcelor Mittal Orbit tiêu tốn của nước Anh 22,7 triệu bảng (760 tỷ đồng).

Một ví dụ: Chi phí cho an ninh tại Olympic Athens lên tới 800 triệu USD, nhiều gấp 3 lần Olympic Sydney 2000; chi phí cho mạng lưới phương tiện giao thông công cộng gần 300 triệu euro.

“Oách” hơn nữa, dù bỏ ra cả một núi tiền, nhưng Chính phủ Hy Lạp lại không cho phép bất cứ một biển hiệu quảng cáo nào được xuất hiện trên đường phố khiến ngân sách quốc gia nước này năm 2004 thâm hụt tới 6,1% (so với GDP), trong khi giới hạn mà khối EU cho phép là 3%.

Hành động “vung tay quá trán” ấy cộng thêm nhiều vấn đề bất hợp lý khác nữa đã khiến nền kinh tế Hy Lạp đến bây giờ vẫn lao đao.

Cách đây 64 năm, khi tổ chức Olympic 1948, nước Anh chỉ phải chi ra 732.268 bảng (tương đương 20 triệu bảng hiện nay). Nhưng tới Olympic 2012, chính sách “thắt lưng buộc bụng” ấy đã không tồn tại. Khi London chạy đua giành quyền đăng cai vào năm 2003, kinh phí tổ chức dự kiến khoảng 4 tỷ bảng.

Nhưng đến năm 2005, khi London chính thức giành được quyền đăng cai Olympic 2012, con số ấy đã được đội lên 9,3 tỷ bảng, trong đó có 7,27 tỷ bảng dành cho giao thông và các công trình phục vụ Olympic như xây sân vận động, khu công viên, tu sửa đường sá, làm hệ thống cáp điện ngầm…

Người Anh chi mạnh tay đến mức Ủy ban Thiết kế cơ bản (ODA) có trách nhiệm phụ trách xây dựng công viên Olympic dù đã tiết kiệm hết mức nhưng vẫn phải sử dụng đến phần lớn số tiền dự phòng. Chi mạnh như thế, người Anh sẽ “gỡ” lại bằng cách nào?

Thực tiễn có như lý thuyết?

Theo dự tính của ODA, trong thời gian diễn ra Olympic 2012, nước Anh sẽ thu được hàng trăm triệu bảng từ việc bán đồ lưu niệm. Sau Olympic, ODA sẽ chi 350 triệu bảng để cải tạo lại công viên Olympic cho phù hợp với cuộc sống thường nhật.

Sân vận động Olympic sẽ được giao cho Câu lạc bộ Bóng đá West Ham tiếp quản, khu Stratford sẽ trở thành trung tâm kinh tế, thương mại…

75% người dân Anh tỏ ra thất vọng với quy trình bán vé và giá vé khi những môn thể thao ít phổ biến tại Anh như hockey thậm chí vẫn được bán với giá 75 bảng/vé. Chính điều này khiến ban tổ chức đang lo sốt vó vì còn quá nhiều vé ế.

Một số nhà hoạch định kinh tế thậm chí còn lạc quan với dự đoán: Nhờ Olympic lần này, đến năm 2015, kinh tế Anh sẽ tăng trưởng ít nhất 88 tỷ euro.

Nhưng nói và nghĩ là một chuyện, còn thực tế có đúng như vậy hay không lại là chuyện khác hoàn toàn.

Theo con số do tờ UK Economy đưa ra, nước Anh thực tế đã đầu tư tới 12 tỷ bảng để tổ chức Olympic 2012 và họ có thể lo… lỗ ngay từ bây giờ là vừa. Lý do: Khu liên hợp thể thao Olympic Park (trong đó có cả làng vận động viên) sau này sẽ dùng vào việc gì và do ai tiếp quản?

Bên cạnh đó, khu Stratford lâu nay vốn không được giới đầu tư để mắt tới do đây là một trong những khu vực nghèo nàn nhất London. Việc Stratford được tu bổ, nâng cấp để trở thành địa điểm trung tâm của Olympic 2012 chưa chắc đã tạo ra hiệu ứng tốt dẫn đến việc thu hồi vốn trở nên chậm chạp.

Đấy là chưa kể việc Bộ Tài chính Anh có thể thắt chặt chi tiêu sau Olympic sẽ khiến một số dự án bị “treo”...