4 địa chỉ hấp dẫn
Theo Ban tổ chức Lễ hội Trung thu phố cổ Hà Nội 2012, chương trình sẽ diễn ra từ ngày 18 đến 30.9 tại khu vực phố cổ Hà Nội với rất nhiều sự kiện hấp dẫn. Tại đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào) sẽ trưng bày tranh thiếu nhi và giới thiệu cách làm đồ chơi dân gian trong ngày Tết Trung thu truyền thống, như làm đèn ông sao, tiến sĩ giấy, tò he…
Nghệ nhân rối Phạm Văn Bể bên những con rối cạn của mình. |
Tại đình Kim Ngân (42 - 44 Hàng Bạc) trưng bày “Không gian Tết Trung thu truyền thống năm 2012” và biểu diễn ca trù vào các tối thứ 4, thứ 6, Chủ nhật. Tại Trung tâm Thông tin phố cổ Hà Nội (28 Hàng Buồm) trưng bày và giới thiệu các công đoạn làm rối và biểu diễn múa rối cạn của làng nghề Tế Tiêu. Tại ngôi nhà di sản 87 Mã Mây có trưng bày không gian đón Tết Trung thu cổ truyền và giới thiệu tranh xé giấy thủ công của nhóm họa sĩ trẻ Hà Nội, biểu diễn ca trù vào 20 giờ các buổi tối thứ 3, thứ 5, thứ 7 trong tuần.
Ông Phạm Tuấn Long- Trưởng ban Quản lý phố cổ Hà Nội cho biết: “Đây là năm thứ 6, Lễ hội Trung thu phố cổ Hà Nội được tổ chức. Năm nay cũng như các năm trước, lễ hội sẽ tập trung để làm nổi bật yếu tố dân gian, truyền thống trong các đêm trung thu cổ truyền, để trẻ em có cảm nhận được phong vị những đêm trông trăng phá cỗ ngày xưa”.
Theo Ban tổ chức, những hoạt động này có ý nghĩa thiết thực, nhằm mục đích tôn vinh các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Hà Nội, đồng thời tuyên truyền, giới thiệu và quảng bá cho du khách về phong tục, tập quán, nét văn hóa của Lễ hội Trung thu trong khu phố cổ Hà Nội, từ đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn, giữ gìn các giá trị di sản văn hóa.
Tìm lại hào quang
Nghệ nhân Phạm Văn Bể- chủ trò của phường rối cạn Tế Tiêu (Mỹ Đức, Hà Nội) thực sự xúc động khi được mời trình diễn tại Lễ hội Trung thu phố cổ Hà Nội 2012. Ông cho biết: “Xem rối cạn Tế Tiêu, cả trẻ con và người lớn đều thích, vì nó gần gũi với văn hóa dân tộc mình, toàn là những tích truyện về các anh hùng hào kiệt, về những câu chuyện lao động cấy cày để khán giả thêm hiểu và yêu quý đất nước mình hơn”.
Phường rối Tế Tiêu đã nỗ lực chuẩn bị cho những ngày trình diễn sắp tới, những trò cũ được ôn luyện, những con rối được sửa soạn tinh tươm hơn... Anh Lê Văn Lung- thành viên của phường rối cho biết: “Nếu không có những dịp lễ hội được trình diễn thế này, những con rối đành xếp không nằm đó cho bụi phủ, chúng tôi buồn lắm nhưng biết làm sao được”.
“Rất vui” là tâm sự nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến (xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội) là gia đình duy nhất còn gắn bó với nghề làm "ông tiến sĩ giấy". Chị Tuyến bảo: “Trung thu hồi xưa, trẻ con sung sướng biết bao khi được bố mẹ mua cho một bộ đồ chơi tiến sĩ giấy để lên bàn học. Đó vừa là một đồ chơi nhưng cũng là một lời chúc, mong mỏi con em mình lớn lên sẽ vinh hiển thành đạt...”.
Bích Liên