Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ NNPTNT, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm ban hành, hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai thực hiện “Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp đối với các chủng virus cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người”; thành lập ngay các đoàn kiểm tra, đôn đốc các địa phương nhất là các địa bàn có nguy cơ cao ở khu vực phía Bắc.
Cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy đàn vịt của hộ dân ở đội 5, thôn Thọ Lộc Tây, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) bị dịch cúm.
Bộ Y tế triển khai quyết liệt, kiểm tra sát sao việc thực hiện “Kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm A/H7N9 tại Việt Nam” và các biện pháp phòng chống các chủng virus cúm khác. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập ngay các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Đề án 2088 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống cúm gia cầm lây qua biên giới; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với cúm A/H7N9 và các chủng virus cúm khác.
Tổ chức thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch tại gốc; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn. Tuyên truyền để người dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu gia cầm qua biên giới; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; nghiêm cấm việc buôn bán vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa được xử lý chín bằng nhiệt từ Trung Quốc vào Việt Nam.
n Quảng Ninh: Hôm qua (14.2), ông Đoàn Duy Ái - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Địa bàn Quảng Ninh tiếp giáp tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc với chiều dài hơn 100km đường biên giới, việc phát hiện 3 trường hợp nhiễm virus H7N9 và phát hiện virus này có trong gia cầm tại Quảng Tây cho thấy nguy cơ rất cao lây lan vào nước ta. “Chúng tôi vẫn đang phối hợp với Cục Thú y lấy mẫu mỗi tuần một lần ở tất cả các chợ trên địa bàn tỉnh để giám sát H7N9, rất may là tới thời điểm hiện tại chưa phát hiện virus H7N9 xâm nhập vào nước ta” - ông Đoàn Duy Ái nói. Cũng theo ông Ái, tỉnh sẽ trích 21 tỷ đồng và 8 tấn hoá chất để phòng chống cúm gia cầm.
n Nam Định: Ông Nguyễn Phùng Hoan - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Nam Định cho biết, từ ngày 9.2, tại xã Giao Hà, huyện Giao Thuỷ đã phát hiện một ổ dịch cúm A/H5N1 với 100 con ngan và 400 con vịt đẻ. Ngay sau đó, Sở NNPTNT đã chỉ đạo lực lượng thú y phối hợp khoanh vùng, dập dịch. Từ ngày 9.2 đến nay chưa phát hiện ổ dịch nào phát sinh.
n Lạng Sơn: Theo ông Nguyễn Nam Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Lạng Sơn, từ đầu năm 2014 đến nay, chi cục phối hợp với Cục Thú y lấy hơn 5.000 mẫu phẩm gia cầm ở các chợ trên địa bàn để giám sát virus H7N9 nhưng đến hiện tại vẫn chưa phát hiện gia cầm nhiễm virus này.
n Khánh Hòa: Chiều 14.2, ông Tào Anh Tuấn – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Khánh Hòa cho biết, hiện nay dịch cúm gia cầm H5N1 đã xảy ra tại 2 huyện Cam Lâm, Diên Khánh và thị xã Ninh Hòa. Riêng tại thị xã Ninh Hòa dịch đã lan rộng ở 7 xã với hơn 12.000 con gia cầm đã bị tiêu hủy. Cuối giờ chiều 14.2, địa phương, phát hiện thêm một ổ dịch mới tại xã Ninh Đa với 1.000 con gia cầm dương tính với cúm A/H5N1 sẽ tiêu hủy vào ngày 14.2.
Tỉnh Khánh Hòa đã công bố dịch cúm gia cầm tại thị xã Ninh Hòa, xuất lượng lớn thuốc dự trữ để vệ sinh, tiêu độc đồng thời sử dụng nguồn 400.000 liều vaccine dự phòng để tiêm bổ sung cho đàn gia cầm trên toàn tỉnh.
n Long An: Ngày 14.2, ông Lê Minh Đức - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An cho hay, đã có kết quả xét nghiệm từ Cơ quan Thú y vùng VI là 2 mẫu bệnh phẩm gia cầm ở hai hộ chăn nuôi thuộc xã Bình Quới (Châu Thành) và Quê Mỹ Thạnh (Tân Trụ) được xác định nhiễm cúm A/ H5N1. Sáng 15.2, UBND tỉnh sẽ bàn hành quyết định công bố dịch cúm gia cầm ở hai địa phương nói trên và các xã giáp ranh. Chi cục Thú y phối hợp với chính quyền 2 xã nói trên đã tiến hành tiêu hủy 2.300 con gà mắc bệnh.
n Quảng Ngãi: Sáng 14.1, Chi cục Thú y tỉnh Quảng Ngãi phối hợp huyện Sơn Tịnh tiến hành tiêu hủy đàn vịt 1.550 con của hộ anh Nguyễn Hoàng Lộc (đội 5, thôn Thọ Lộc Tây, xã Tịnh Hà). Ông Đặng Thanh Hậu- Phó phòng NNPTNT huyện Sơn Tịnh cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn huyện đã ghi nhận 5 ổ dịch cúm gia cầm. Địa phương đã tiêm 2.150 liều vaccin bao vây ổ dịch.