Dân Việt

Thu mua ve chai thấy hơn 5 triệu yen Nhật: Người phát hiện hưởng 50%?

Lương Kết 23/03/2014 16:06 GMT+7
Dư luận đang xôn xao trước việc một phụ nữ thu mua ve chai ở TP. HCM phát hiện hơn 5 triệu yen Nhật. Hiện cơ quan công an tạm giữ số tài sản trên.
Theo Công an phường 10, quận Tân Bình, TP. HCM ngày 21.3, nhận được tin của người dân ở đường Trần Văn Quang báo có người phụ nữ ở trọ chuyên mua ve chai phạt hiện lượng lớn tiền yen Nhật, khiến đông người tụ tập, có nhiều kẻ đã đe dọa, gây áp lực nhằm cưỡng đoạt số tiền trên. Lực lượng công an đã xuống hiện trường để ổn định tình hình.

Chị H (quê Quảng Ngãi) kể:

Vào khoảng 15h ngày 21.3, trong lúc rảnh rỗi, chị mang chiếc thùng dạng đài cassette kiêm loa phát công suất lớn đã cũ, mục nát mua được từ trước Tết Nguyên đán nhưng không nhớ rõ mua ở đâu ra để tháo lấy kim loại bán phế liệu.

Khi mở ra chị phát hiện chiếc hộp gỗ, bên trong chiếc hộp có nhiều tiền giấy không rõ tiền gì. Khi gió thổi bay vài tờ khiến sự việc bắt đầu trở nên ầm ĩ bởi có nhiều người chứng kiến, có người đã vào xin một vài tờ. Rồi tình hình trở nên phức tạp khi nhiều người nghe tin đã kéo đến.

Ảnh: chị H giao số tài sản phát hiện cho cơ quan công an. (ảnh internet)
Ảnh: chị H giao số tài sản phát hiện cho cơ quan công an. (ảnh internet)

Chị H đã nộp toàn bộ 520 tờ tiền do mình phát hiện, mệnh giá 10.000 yen Nhật (hơn 5,2 triệu yen Nhật, tương đương hơn 1 tỉ đồng VN) cho cơ quan công an.

Theo LS Trịnh Anh Dũng (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), việc chị H nộp tài sản phát hiện cho cơ quan công an vừa đảm bảo an toàn cho mình, vừa đúng với quy định pháp luật.

Theo Điều 187 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: Người phát hiện tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu; nếu không biết ai là chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.

Để giải quyết số tài sản trên theo Điều 241. Xác lập quyền sở hữu đối với vật do người khác đánh rơi, bỏ quên:

1. Người nhặt được vật do người khác đánh rơi hoặc bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại vật cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

UBND hoặc công an cơ sở đã nhận vật phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu.

2. Sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai về vật nhặt được mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận, nếu vật có giá trị đến mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì vật đó thuộc sở hữu của người nhặt được; nếu vật có giá trị lớn hơn mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc Nhà nước.

3. Vật bị đánh rơi, bị bỏ quên là di tích lịch sử, văn hoá mà sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai, không xác định được chủ sở hữu hoặc không có người đến nhận thì vật đó thuộc Nhà nước; người nhặt được vật đó được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.

Chiểu theo quy định số tiền yen Nhật trên không thuộc vật là di tích lịch sử, văn hóa. Và giá trị của nó cũng lớn hơn 10 tháng lương tối thiểu (1.150.000 đồng x10). Trường hợp sau khi có thông báo từ phía công an, người nào đến nhận là chủ sở hữu thì người đó phải có những căn cứ phù hợp để chứng minh tài sản trên là của mình, vô tình bị mất.

Nếu không xác định được chủ sở hữu, chị H ngoài việc nhận được 10 tháng lương tối thiểu còn nhận được 50% số tài sản phát hiện (đã trừ chi phí bảo quản).