Dân Việt

"Cài bom" trong khu dân cư

Đào Lê (Thế giới Tiếp thị) 09/04/2014 19:02 GMT+7
Trong điều kiện các bãi giữ xe ôtô được đầu tư bài bản như các dự án bãi giữ xe ngầm lại đang mắc kẹt, tranh thủ thời cơ, các bãi giữ xe ôtô "lụi" đồng loạt ra đời ở TP.HCM...
Từ đây, các bãi giữ xe ôtô “lụi” không chỉ làm “chùn tay” các doanh nghiệp đã và đang dự tính đầu tư bãi giữ xe mà còn tiềm ẩn nhiều hiểm hoạ. Nhất là trong điều kiện hanh khô như hiện nay, có những ngày xảy ra hai vụ cháy, các bãi giữ xe ôtô “lụi” đã thực sự khiến không ít hộ dân xung quanh phát hoảng.

Bãi giữ xe toàn... không

Đi dọc các bãi giữ xe ôtô trên địa bàn quận Tân Phú và Tân Bình, chúng tôi ghi nhận gần như có rất ít, nếu không muốn nói là không có các bãi giữ xe ôtô được trang bị đầy đủ các phương tiện phòng cháy chữa cháy, dù bãi giữ xe nào cũng đầy ắp lượng xe.

Giữ xe ô tô trước một chung cư. Ảnh: P!
Giữ xe ôtô trước một chung cư.

Cụ thể, tại bãi giữ xe ôtô, nằm sát bên sân bóng Thanh Thảo 3, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, chỉ có khoảnh đất chưa đầy 400m2, nhưng hiện tại người trông coi bãi giữ xe này cho hay đã có gần 80 xe ôtô bốn chỗ và tải nhẹ đăng ký gửi theo tháng. Lượng xe như vậy là quá nhiều. Thế nhưng, khi chúng tôi muốn gửi thêm hai xe ôtô nữa thì ông Trường, người tự giới thiệu là trông coi bãi giữ xe, cho hay, muốn gửi bao nhiêu xe cũng được, dù bãi đã ken cứng.

Xe nhiều, nhưng bãi giữ xe này chỉ có tổng cộng ba người coi ngó - một người mặc sắc phục bảo vệ, ông Trường và một phụ nữ; và chỉ có hai bình chữa cháy mini.

Điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) ở bãi giữ xe ôtô tự phát tại số 19C Lê Quý Đôn, phường 6, quận 3, còn đáng sợ hơn, khi cả bãi xe rộng lớn cả ngàn mét vuông, cả trăm xe, nhưng mỗi ca trực chỉ có hai nhân viên trông giữ và vài bình chữa cháy mini để tượng trưng.

So về độ nguy hiểm, có lẽ các bãi để xe ôtô tự phát ở sân chung cư, hay ở các cây xăng (chủ yếu xe đậu vào ban đêm) là đáng sợ nhất.

Tuy chưa xảy ra sự cố đáng tiếc, nhưng mỗi khi nhớ lại sự cố cháy chung cư Phúc Thịnh năm 2012, ông Sơn Phan vẫn còn bức xúc chuyện ban quản lý chung cư đã vô tư cho xe ôtô để dưới sân, gây cản trở xe thang của đơn vị PCCC. “May mà không xảy ra sự cố đáng tiếc, nếu không thì nguyên nhân chính khiến cho công tác chữa cháy thất bại chính là bãi giữ xe chiếm sân chung cư, phải mất thời gian di dời”, ông Phan nhấn mạnh.

Chị Trần Thị Thuý, nhà ở gần cây xăng ngã tư Lê Văn Sỹ - Trần Huy Liệu, từ hai năm nay, đêm nào cứ nghe tiếng la hét ngoài đường là chị Thuý lại nghĩ ngay đến chuyện cây xăng gần nhà cháy mà không khỏi thót tim. “Cây xăng này, ngoài chuyện không đảm bảo các quy định mới của một cây xăng, còn vô tư cho hàng chục xe taxi đậu đỗ hết phần diện tích trên mặt đất. Như vậy dễ xảy ra bất cẩn và cháy là điều có thể nghĩ đến”, chị Thuý nhận định.

Trên quyết liệt, dưới bảo vướng

“Các bãi giữ xe kể trên, chẳng khác nào các quả “bom” được cài trong khu dân cư. Khi “bom” nổ chỉ còn có nước nhìn ngọn lửa thiêu rụi nhà cửa, xe cộ mà thôi”, ông Tâm, một người dân sống gần khu vực bãi giữ xe gần sân bóng Thanh Thảo 3, nói.

Liên quan đến phản ánh của người dân cũng như ghi nhận của PV, ngày 3.4, trao đổi với Thiếu tướng Trần Triều Dương, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM, Thiếu tướng cho hay, trong mùa khô này Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM đã có kế hoạch sẵn sàng và cụ thể để đối phó với tình hình cháy nổ, để cố gắng hạn chế tối đa thiệt hại. Tuy nhiên, để công tác PCCC đạt hiệu quả cao thì nhất thiết người dân phải tuân thủ cũng như lắng nghe các quy định cũng như tuyên truyền trong PCCC. “Riêng các bãi giữ xe ôtô thiếu an toàn PCCC, chúng tôi cương quyết xử lý nghiêm”, Thiếu tướng Dương khẳng định.

Ở khía cạnh địa phương, ông Kiều Việt Dũng, Chủ tịch phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, lại cho rằng, phường và quận thường xuyên kiểm tra hoạt động, cũng như xử lý các bãi xe không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. “Nói chung, đa phần các bãi xe ở phường Tây Thạnh là bãi trung chuyển chứ không phải là bãi giữ xe ôtô”, ông Dũng nói.

Nhưng thực tế, họ trưng bảng giữ xe 24/24h như vậy là hoạt động không phép, chính quyền có biết? “Họ có giấy phép hoạt động bãi xe trung chuyển nên xe tập trung nhiều thành ra cứ tưởng là bãi giữ xe. Muốn bắt tận tay, day tận mặt các bãi xe trung chuyển nhưng tự ý chuyển thành bãi giữ xe thì phải có hợp đồng giữ xe hay phiếu giữ xe. Chứ không thể căn cứ vào hợp đồng miệng, rồi nói họ tổ chức giữ xe là không đúng”, ông Dũng lập luận.

Theo lập luận của ông Dũng, có lẽ chính quyền địa phương, các ngành chức năng chỉ có thể xử phạt an toàn PCCC, chứ không thể triệt được các bãi giữ xe ôtô “lụi”; bởi thực tế tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các bãi giữ xe “lụi” đều không có hợp đồng, chỉ có thoả thuận miệng. Đã không thể triệt được thì quả rằng “bom nổ chậm” cứ ngang nhiên tồn tại trong khu dân cư. Để rồi nếu lỡ có xảy ra sự cố, thì rõ ràng chỉ có người dân là phải gánh, biết đền ai.

Điển hình cho chuyện này rõ nhất là vụ hoả hoạn thương tâm ở quận 3 tại nhà ông “Phương cháy nổ” vừa rồi, đến nay người dân xung quanh vẫn chưa thể hoàn hồn cũng như biết đòi ai bồi thường, khi người gây ra tai nạn trên đã trở thành người thiên cổ.