Ông Bình nêu rõ, trên thế giới có khoảng 3.000 loài bọ xít khác nhau, trong đó có một số loài hút máu động vật, trong quá trình tồn tại và phát triển của loài này, người có thể là đối tượng ngẫu nhiên bị bọ xít đốt. Ở VN, bọ xít hút máu đã xuất hiện từ lâu.
Kết quả xét nghiệm của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư cho thấy, các mẫu bọ xít mà các chuyên gia của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thu thập được trong thời gian qua là loại Triatoma rubrofassiata.
Nó khác với loài bọ xít Triatoma dimidiata phổ biến ở Trung Mỹ và loài Triatoma infestans phổ biến ở vùng Nam Mỹ có thể gây truyền bệnh Chagas, còn gọi là bệnh ngủ. "Đến thời điểm này, chưa có tài liệu nào công bố có bệnh Chagas ở VN. Kết quả xét nghiệm 19 mẫu máu của 19 người ở 19 hộ gia đình bị bọ xít đốt không phát hiện ký sinh trùng gây bệnh Chagas" - ông Bình nhấn mạnh.
Để phòng bị bọ xít đốt, tốt nhất là người dân nên vệ sinh môi trường, vệ sinh sạch sẽ khu nhà ở, giường tủ, tránh ẩm thấp để không tạo môi trường cho bọ sinh sống. Nếu phát hiện có bọ xít nên dùng các loại thuốc diệt côn trùng và đến cơ sở y tế sớm nếu vết đốt gây dị ứng.
* Ngày 23-9, ông Nguyễn Võ Hinh - Giám đốc Trung tâm Phòng chống Sốt rét – Ký sinh trùng - Côn trùng tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết đã có 14 xã, phường trên địa bàn tỉnh xuất hiện bọ xít hút máu. Đã có 5 người dân bị loại côn trùng này cắn. Tổng cộng có 36 con bọ xít hút máu người được dân bắt giao cho cơ quan chức năng.
Hồng Hoa - An Sơn