Ông Nguyễn Thành Tôn- Bí thư Đảng uỷ xã Vũ Xã tâm sự: "Nhiều em chỉ mới hơn 10 tuổi đầu đã một mình lên Hà Nội đi đánh giày, rửa bát thuê, bán hoa quả… Bố mẹ các em dù rất muốn con mình được đi học nhưng do hoàn cảnh kinh tế nên nhiều em về nhà học được mấy hôm lại tiếp tục đi lang thang".
Lớp học nghề của trẻ em lang thang ở Vũ Xá (Hưng Yên). |
Theo ông Tôn, mặc dù Sở LĐ - TB&XH, Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em đã tiến hành nhiều dự án hỗ trợ cho trẻ em lang thang hồi gia, trong đó có cả hỗ trợ tiền bạc nhưng do gia đình quá nghèo, chỉ được 1-2 tháng, tiêu hết tiền hỗ trợ, các em lại tiếp tục đi lang thang. Bà Nguyễn Thị Họa - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vũ Xá chia sẻ: "Muốn trẻ em lang thang hồi gia trước hết cần phải dạy cho trẻ em một nghề và giúp các em có thể sống bằng nghề đã học".
Sau khi đưa ra những thống kê về tình trạng trẻ em lang thang và có nguy cơ lang thang trên địa bàn xã, bước đầu UBND xã đã tiến hành mở các lớp dạy nghề thêu đan hạt cườm cho 52 em thuộc đối tượng trên. Nhờ những lớp học như vậy mà số trẻ em lang thang và có nguy cơ lang thang giảm đi trông thấy.
Em Trần Tuấn Anh, 15 tuổi, tâm sự: "Khi mẹ em bị tâm thần, bố em đã bỏ đi lấy vợ mới. Để có tiền chăm sóc mẹ em đã bỏ học lên Hà Nội rửa bát thuê. Tháng 9 - 2009, em được các cô chú trên xã bảo nếu chịu về nhà thì sẽ được dạy nghề miễn phí, được hỗ trợ tiền đi học tiếp. Thế là em về!". Hiện tại Tuấn Anh vừa học làm hàng lưu niệm, em vừa quay lại trường cũ học văn hoá.
Ông Nguyễn Thành Tôn phấn khởi cho biết: "Nhờ được học nghề, tạo việc làm, số trẻ lang thang trên địa bàn xã giảm hẳn, 7/14 em lang thang của năm 2009 đã trở về nhà làm và đi học tiếp". Cũng theo ông Tôn, ngoài việc hỗ trợ tiền học phí cho các em được tiếp tục đến trường, dạy nghề cho trẻ em lang thang, UBND xã Vũ Xá còn yêu cầu các gia đình ký cam kết không cho trẻ tái lang thang, coi đó là một trong những tiêu chí bình xét gia đình văn hoá.
Công Trình