Thủ phạm là... trời !
Dẫu đang vào mùa thu hoạch nhưng những bản làng của Yên Châu trầm lắng khác thường. Người nông dân nơi đây lầm lũi đi nương, lặng lẽ thồ trên lưng những bao ngô nhẹ tênh do hạt lép; thậm chí chỉ là những thân ngô không có bắp được lấy về làm củi.
Giảm sản lượng và chất lượng làm ngô mất giá là nỗi khổ của nông dân Sơn La. |
Trưởng bản Tà Làng Thấp - ông Vì Văn Sáy tâm sự: "Mùa thu hoạch ngô là tết của dân bản, từ cái kim, hạt muối cũng từ ngô mà ra. Nhưng năm nay mất mùa ngô thì lương thực dự trữ cho những ngày tiếp theo cũng khó, nói gì đến mua sắm". Theo ông Sáy, khác hẳn với mọi năm, năm nay mấy tháng trời ở vựa ngô này không có lấy hạt mưa. Một vụ mất mùa là dân chúng tôi mất vài năm khốn đốn!".
Trong gian nhà trống tuềnh toàng ở bản Hua Đán, xã Tú Nang, ông Lò Văn Khổ đang trăn trở với việc lo miếng ăn cho cả gia đình trong những ngày tới. Mọi năm, vào những ngày này, khắp sàn, trên nhà ông đầy ắp những ngô, "có bán rẻ cũng thu được 35-40 triệu đồng, chi trả vốn đầu tư, nợ nần cũng còn dư lại 15-20 triệu, đủ lo cho 5 miệng ăn trong thời gian gối vụ".
Nhưng năm nay ông chỉ thu được mấy tạ ngô lép, ăn còn chưa đủ nói gì tới trả nợ vốn đầu tư. Lý giải về cái sự nghèo khó và những khoản nợ nần của nông dân nơi vựa ngô này, ông Khổ bảo: "Dân bản thì ai chả phải vay nợ. Có đất sản xuất đấy nhưng nào tiền mua giống ngô, phân bón, thuê nhân công giúp khi mùa vụ; rồi ăn uống, học hành... đều phải vay, ứng, cắm nợ thì mới có".
Ngập trong nợ
Theo ông Khổ, nông dân vốn nghèo, tài sản chẳng có gì đáng giá, bìa đỏ cũng không có để thế chấp mà vay ngân hàng, vậy là đi vay tư nhân với lãi suất cao, đợi mùa ngô thì trả cả gốc lẫn lãi. Vì thế nhà đã nghèo thì dẫu được mùa, thu ngô cũng chỉ còn non nửa hoặc một phần ba. Còn mất mùa thì lãi mẹ đẻ lãi con, phải 2-3 vụ ngô sau mới trả hết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở khu Tà Làng Thấp có không ít người nợ tư nhân nhiều đến nỗi họ cũng không nhớ là mình đang mang nợ bao nhiêu tiền nữa. Biết là lãi cao, nợ nhiều thì khó trả nhưng cần tiền vẫn phải vay. Anh Vì Văn Pháu - Trưởng bản Hua Đán, xã Tú Nang gật đầu thừa nhận: "Úi trời! Gần như cả bản này phải vay nợ đấy. Cứ ra mấy nhà giàu chuyên thu mua ngô ở ngã ba kia, xem cái danh sách nợ là biết ngay thôi. Có nhà nợ lôi thôi các khoản từ năm này sang năm khác, kê dài tới mấy trang sổ…".
Theo anh Pháu, ở đây có nhiều "đại gia" chuyên cho vay nợ và "liên kết" cùng bà con trồng ngô. Đầu vụ ngô họ cho bà con vay giống, phân bón… với lãi suất từ 3-4%/tháng. Cuối vụ trả lãi và gốc bằng ngô. Ngoài ra nhà ai cần tiền mặt, chai nước mắm, túi muối, cân thịt... cứ ra ký sổ nợ mà mang hàng về. "Đơn cử nhà tôi cần khoảng 400.000 đồng thì phải cắm ít nhất là 5 tạ ngô non với giá là 80.000 đồng/tạ.
Đến vụ thu hoạch là phải trả luôn" - anh Pháu cho biết. Cũng theo anh Pháu, hiện tại, ở bản Hua Đán có nhiều hộ mắc nợ phải bán cả đất canh tác của mình. "Nhà Lò Văn Khoàng ở bản Hua Đán này vay có 9 triệu đồng. 3 năm không trả được nên số nợ đã lên 47 triệu đồng. Vừa phải gán 1ha đất để trả cho người cho vay. Thế là lại trở thành người làm thuê trên chính mảnh đất nương của mình. Nhà cái Lánh, cái Phương trong bản cũng nợ nhiều lắm..." - anh Pháu kể.
Phó mặc… "con buôn"!
Ngô hiện tại là cây lương thực có hạt chủ đạo, là nguồn thu chủ yếu của nông dân Sơn La với tổng sản lượng mỗi năm hơn nửa triệu tấn. Tuy nhiên, khi hệ thống ngân hàng nhà nước chưa vươn tay tới được vùng sâu vùng xa thì tư thương Sơn La đã nhanh chóng "đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng việc" để cho dân vay tiền với lãi suất cao và phương thức và đơn giản, thủ tục gọn nhẹ.
Khi cây ngô được thu hoạch, tư thương cũng là lực lượng có khả năng len lỏi đến từng nhà để sơ chế, thu mua, lưu thông hàng hoá. Bởi thế, có thể nói thị trường ngô ở Sơn La được tư thương điều tiết từ khi gieo trồng tới khi bán sản phẩm.
Ăn đong-vay nợ do mất mùa, chuyện ấy đã đành nhưng vay được nợ vào thời điểm này với nông dân nghèo ở những vùng ngô thất bát của Sơn La là rất khó. Điều đáng nói là người nông dân nơi đây đang cần một khoản vốn vay để tái sản xuất vụ thu đông, bù đắp lại những mất mát trong vụ chính xuân hè vừa qua nhưng chính vì cái nợ cũ chưa trả được, các chủ nợ cũng nhìn ra hiện thực mất mùa của nông dân nên nhanh chóng "đóng băng" tài khoản, không cho vay thêm.
Anh Lò Văn Huy ở xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu, buồn rầu: "Đi vay vốn, vay phân có ai muốn cho nữa đâu. Họ cũng biết người nghèo như chúng tôi, mất mùa ngô coi như mất hết nên có chấp nhận tăng giá họ cũng lắc đầu. Đúng là đã nghèo lại khó!
Kiều Thiện