Sau Thái Nguyên đến lượt một đơn vị ở An Giang đang tổ chức chăn nuôi bò bằng... rác, bất chấp những ảnh hưởng về sức khoẻ con người.
Chiếc xe chở rác tiến vào bãi rác Bình Đức (TP. Long Xuyên), những người nhặt phế liệu vội vã xách bao chạy theo, đàn bò cũng lao vào ăn các loại vỏ trái cây, rau, cải, dưa vạc và ăn cả những bọc cơm nguội.
Anh Võ Văn Giàu, người chăn giữ đàn bò cho biết: Bò mua từ biên giới về có nguồn gốc Campuchia và thức ăn chính là cỏ. Khi mới đưa về và mất cả tuần, bò mới làm quen ăn… rác. Ăn riết rồi "ghiền", cho cỏ và rơm khô chúng cũng ít ăn, trừ khi đói.
Ông Đặng Anh Dũng - Phó trưởng Ban Công trình đô thị TP. Long Xuyên cho biết, bãi rác Bình Đức có tổng diện tích 5,7ha. Trong đó, bãi rác cũ 2,2ha đã đóng cửa từ năm 2000, nay thành đồng cỏ. Bãi rác mới kế bên 3,5ha mở rộng từ năm 2000, đến nay cũng sắp đầy.
Nguồn phế phẩm nông nghiệp của chợ đầu mối Long Xuyên và nhà máy chế biến rau quả đổ ra bãi rác khá lớn, tổng lượng rác thải cả thành phố khoảng 150 tấn/ngày, khiến bãi rác quá tải. Từ thực tế trên, Ban Công trình đô thị đã nghĩ ra cách tận dụng nguồn rác phế phẩm nông nghiệp để nuôi bò hơn 10 năm qua.
Ban đầu, Công đoàn cơ quan đứng ra vay vốn của Tổng Liên đoàn Lao động được 50 triệu đồng để mua 30 con bò nuôi vỗ béo. Sau một năm nuôi và xuất chuồng bán được hai đợt, hiệu quả khá cao nên tiếp tục nuôi. Đàn bò lúc nuôi nhiều lên đến 70-80 con, ít cũng từ 30-40 con.
Mặc dù vậy theo ngành chăn nuôi và cơ quan an toàn vệ sinh thực phẩm, không nên chăn nuôi theo cách này. Ông Mai Hoàng Việt - Chi cục trưởng Chi cục Thú y An Giang nói: Bãi rác có nhiều loại rác thải độc hại chứa các kim loại nặng.
Nếu động vật ăn vào và tồn lưu trong cơ thể, không giải phóng ra được lâu ngày sẽ tích lũy bệnh. Bác sĩ Lê Minh Uy - Chi cục Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm An Giang cho rằng: Động vật ăn nguồn nguyên liệu không an toàn thì chắc chắn chất lượng thịt sẽ không an toàn. Muốn tận dụng nguồn nguyên liệu phế phẩm nông nghiệp để chăn nuôi phải phân loại và làm sạch trước khi sử dụng.
Hà Ngân