Dân Việt

Người Cơtu thích... đổi họ

24/09/2010 22:44 GMT+7
(Dân Viêt) - Anh em một cha, một mẹ nhưng không cùng họ - tình trạng diễn ra ngày càng phổ biến trong cộng đồng Cơtu ở Đông Giang, Quảng Nam.
img
Chị Bríu Thị Lễ bên đứa con chưa có họ vì còn chờ ông nội Alăng Thành... đổi họ.

Mong muốn… buốt lòng

Những cơn giông liên tục xảy ra vào buổi chiều đã buộc chúng tôi dừng chân ở Đông Giang trong hành trình mấy trăm cây số lên miền núi Quảng Nam. Sông Kôn, một xã không xa thành phố Đà Nẵng, được chúng tôi ghé chân đầu tiên. Tình cờ chúng tôi tạt vào nhà Alăng Ríu (thôn Đào). Vợ chồng anh Ríu có 3 con. Ai cũng trố mắt lên khi biết 3 anh em một cha, một mẹ sinh ra này lại có 3 họ khác nhau.

Đứa con lớn là Nguyễn Văn Minh, thứ hai Lê Văn Mạnh, chỉ có đứa út là mang họ cha - Alăng. "Cán bộ tư pháp ngăn không cho đổi, nếu không tao đổi cả họ đứa út sang họ người Kinh" - Alăng Ríu có vẻ bực bội. "Đổi sang họ người Kinh để làm gì?" - chúng tôi hỏi. "Người Kinh chúng mày khôn ngoan, tao muốn con tao cũng vậy.

img Người Cơtu ở Quảng Nam ban đầu chỉ có 13 họ chính, sau này phát triển lên 33 họ (những họ lớn như Alăng, Arất, Ating, Bh'riu, Zơrâm, Bh'nướch, Aviết, Riah, Rapat, C'lâu…). Người Cơtu có quy định bất thành văn từ ngàn đời qua là con cháu phải mang họ cha và không được thay đổi bất cứ họ nào ngoài dòng tộc mình. img

Già làng B'riu P'răm

Mang họ người Kinh, các con tao sẽ giống người Kinh, sẽ biết buôn bán, có nhiều đồng tiền giấy, không phải quanh quẩn bên con sóc, con chuột, bên nương bắp nữa, cực lắm!". Người trong nhà nói Alăng Ríu hay rượu, tuy nhiên lúc này khi nói chuyện với chúng tôi Ríu hoàn toàn tỉnh táo.

Xã Ba chưa phải địa bàn heo hút lắm của Đông Giang, là một điểm dừng chân tiếp theo của chúng tôi. Đề cập đến hiện tượng "con không mang họ cha" này, Chủ tịch UBND?xã Đinh Văn Thiện, phẩy tay:

"Tưởng chuyện gì chứ chuyện đồng bào đổi họ thì xã tôi nhiều lắm! Mới đây thôi, tự dưng ông Alăng Thành (SN 1954) quyết định đổi họ Alăng của 4 đứa con sang họ Nguyễn. Cả 4 đứa con tự dưng có họ mới khi tuổi đời đã ngoài 20, thậm chí có người đã ngoài 30.

Ở cùng nhà với Alăng Thành có anh ruột Alăng Chớp. Thấy em mình đổi họ cho con, ông này cũng bắt chước theo, toàn bộ con của ông từ họ Alăng chuyển sang họ Đinh hết, thậm chí ông cũng tự đổi luôn họ mình (thành Đinh Văn Chớp). Không ai hiểu trong một gia đình, cùng một dòng máu mà người thì họ Alăng, người họ Đinh, người họ Nguyễn. "Đổi cho giống họ người Kinh" - cả ông Alăng Thành và Đinh Văn Chớp đều giải thích.

Càng lên cao tình trạng thay tên đổi họ trong đồng bào Cơtu càng diễn ra nhiều. Thấy bên đường, trong khu rừng keo, có một người đàn ông đang làm việc, chúng tôi đến hỏi thăm. Anh nói đây là xã Cà Dăng, anh tên là Bríu Tồi. Anh nói có hai con. Cả hai đều tên Hạnh, "chỉ có họ là khác nhau thôi, một đứa là Lê Duy Hạnh, đứa kia là Cao Văn Hạnh. Tao đặt họ con như vậy có hay không?" - anh hỏi chúng tôi.

Một thời, người Cơtu mê phim Hàn Quốc nên tự đổi họ tên mình cho giống các diễn viên xứ Hàn. Phong trào đó đã lắng xuống. Bây giờ phần lớn đổi sang họ người Kinh để mong con em giống người Kinh - khôn ngoan, giàu có, ở đồng bằng... sung sướng.

Tại Trường THCS Lê Văn Tám (Zơ Ngây) các thầy giáo cho biết rất nhiều trường hợp anh chị em ruột cùng học một trường nhưng khác họ nhau. Ví dụ hai chị em Íp. Cô chị là Lê Thị Íp, cô em là Alăng Thị Íp. Tờ Lâng (16 tuổi) khi học ở quê nhà thì mang họ bố là Zơrâm nhưng xuống đồng bằng học (Trường Dân tộc nội trú Hội An, Quảng Nam) thì chuyển thành Nguyễn Thị (Nguyễn Thị Tờ Lâng). Nhiều học sinh đổi họ bên cạnh "phiên âm" cách đọc họ mình sang tiếng Kinh. Như Pơlong sang Phong; Zapat Niên thành Phát Niên...

Việc "đẻ" thêm họ này khiến cộng đồng Cơtu dưới chân đại ngàn Trường Sơn Quảng Nam có thêm rất nhiều họ mới. Và, đương nhiên, những họ ấy chẳng giống bất cứ nơi nào!

img
Những đứa trẻ Cơtu rồi sẽ phải gánh chịu hậu quả của việc thay họ.

Quá phiền!

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, tất cả những trường hợp đã đổi họ cho mình, cho con cháu mình đều có một lý do duy nhất, ấy là mong muốn được đổi đời. Họ xem việc đổi họ, thay tên như một phép màu nhiệm có thể giúp họ đoạn tuyệt với cuộc sống bần hàn, khổ cực đã đeo bám bao đời nay. Thế nhưng, họ đâu biết rằng, họ đang làm một việc… dại dột, bởi sướng đâu chưa thấy chỉ thấy vô khối phiền hà. Phiền cho họ và cho cả các cơ quan liên quan.

Đang yên ổn, Zapat Hiền lại đổi thành Phát Hiền. Đến khi Hiền trúng tuyển trường quân sự thì trường phát hiện Hiền đổi họ nên thí sinh này phải nghỉ học một năm để về lo "lấy" lại đúng họ mình. Rất nhiều học sinh bị thiệt hại quyền lợi, tốn thời gian công sức đi chỉnh lại hồ sơ tên tuổi, hộ tịch vì chuyện "bỗng dưng" đổi họ này.

Cán bộ ngành công an cũng đau đầu vì chuyện thích thì thay tên đổi họ, coi khai sinh như "giấy lộn" này của một số đồng bào. Già làng Bríu P'răm (nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Giang) lo lắng: Việc đổi họ kéo dài nhiều thế hệ dễ dẫn đến nguy cơ hôn nhân đồng huyết hoặc cận huyết gây suy yếu giống nòi. Ngoài ra, sẽ làm mai một đi những tộc họ truyền thống của người Cơtu, đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc Cơtu.

Bà Lê Thị Thủy - cán bộ của Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam (nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang) khổ sở: Chuyện thay tên đổi họ của người Cơtu diễn ra đã mấy năm gây trở ngại rất nhiều cho công tác quản lý hộ tịch, quản lý địa bàn, làm mất rất nhiều thời gian của các cơ quan chính quyền, công an, trường học... khi phục hồi họ cũ cho đồng bào.

Nguyên nhân chính của tình trạng này do trình độ nhận thức, sự hiểu biết pháp luật của bà con còn yếu kém. Bên cạnh đó là hạn chế năng lực và thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ ngành tư pháp địa phương.

Đời sống đồng bào Cơtu còn thấp lắm! Cái đói, cái nghèo, cái lạc hậu vẫn bám riết bao đời nay. Họ muốn mình khá hơn, muốn thay đổi cuộc sống hiện tại của mình. Và, cũng bởi trình độ, bởi lạc hậu nên họ nghĩ, cứ mang họ người Kinh là sướng. "Nghĩ thế nào thì làm thế vậy thôi! Cái bụng người Cơtu mình nó thế mà!" trong ngôi nhà tuềnh toàng, một người đàn ông đen đúa đã nói với tôi như vậy.