Nghĩ về việc học sinh ta chán học sử ta, tôi cho rằng một nguyên nhân là môn sử quá nặng về chuyện tự hào dân tộc, mà nhẹ phần tự ái dân tộc.
Lịch sử truyền thống của dân tộc nào mà không có những trang hào hùng và bi kịch, vinh quang và đau thương, thắng lợi và thất bại. Học sử là học cả hai mặt không tách rời nhau đó trong tiến trình phát triển của dân tộc, mà có lẽ cái phần bi kịch, thất bại, đau thương phải được nghiền ngẫm, phân tích kỹ hơn. Và học sử không phải để làm lại sử, hay sửa chữa lịch sử, cái đó là bất khả, mà học sử là để sống cho hiện tại và tương lai.
Sử Việt có nhiều trang hùng, nhưng cũng lắm trang bi. Sao ta dạy học trò chỉ những chiến công hiển hách, những thắng lợi vang dội, nhưng không dạy những thất bại, những lỗi lầm?
Lịch sử là cuộc sống do chính những con người có thật làm ra. Học sử Việt oai hùng nhưng nhìn nước Việt vừa mới thoát ngưỡng nghèo ở thế kỷ XXI, học trò có quyền nêu câu hỏi: Tại sao? Những thăng trầm lịch sử nào đã khiến dân tộc phải đi chậm so với các quốc gia khác trên hoàn cầu?
Sử dạy nhà trí thức Nguyễn Trãi sau 10 năm nương náu Đông Quan đã tìm về với Lê Lợi ở núi rừng Thanh Hóa, và sử ca ngợi sự hợp tác trí thức - nông dân này, nhưng sử lờ đi nguyên nhân sâu xa của thảm họa Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc sau ngày kháng chiến chống Minh thành công. Lẽ ra ở đây, bên cạnh lòng tự hào, sách sử phải gây cho học sinh nỗi tự ái về một bi kịch lớn của dân tộc như vậy.
Sử viết về Hồ Quý Ly chỉ đi theo một kết luận là nhà Hồ không được lòng dân nên thất bại. Sử không nói cho học trò biết bi kịch của nhà cải cách lớn Hồ Quý Ly, không nói đó cũng là một thất bại trong hành trình canh tân đất nước, từ triều Hồ đến tận triều Nguyễn. Nếu được học cặn kẽ điều này, nỗi tự ái của học sinh sao nước ta chậm phát triển sẽ có câu trả lời.
Lịch sử là một vở kịch bất biến, chỉ có các diễn viên là luôn mới, thay thế nhau trình diễn vở kịch đó. Trong lịch sử thường gặp các câu đố khó giải đáp. Nhưng không vì thế mà biến sử thành những câu chuyện truyền thuyết gây mủi lòng xúc động bằng cách thu nhỏ tính bi kịch, tăng tính hào hùng, tất yếu. M. Cervantes có nói là những kẻ viết sử gian dối cũng phải bị trừng phạt như những tên làm bạc giả.
Học sử không phải là nhai lại, không phải là thuộc lòng. Sử cũng đòi hỏi cao ở người học sự độc lập và sáng tạo trong phân tích, suy nghĩ.
Phạm Xuân Nguyên