Đại sứ Canada, bà Deborah Chatsis |
Trong nhiệm kỳ làm đại sứ tại Việt Nam, vấn đề nào giữa hai nước sẽ được bà ưu tiên hàng đầu?
- Giáo dục vẫn sẽ là một trong những hoạt động ưu tiên của Canada tại Việt Nam. Chúng tôi mong ngày càng có nhiều thêm học sinh, sinh viên Việt Nam sang Canada du học. Từ ngày 24 đến 30-10 tới, đại diện của hơn 65 cơ sở giáo dục trên khắp mọi miền đất nước Canada sẽ sang tham gia Tuần lễ giáo dục Canada lần thứ hai được tổ chức tại Hà Nội và TP.HCM.
Đây sẽ là đoàn đại biểu các cơ sở giáo dục lớn nhất từ trước tới nay của Canada sang Việt Nam quảng bá thông tin về chất lượng và chi phí giáo dục đến với các học sinh, sinh viên Việt Nam, đồng thời tìm kiếm các cơ hội hợp tác giáo dục với các đối tác Việt Nam.
Một ưu tiên nữa là thương mại và đầu tư. Năm ngoái, kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt mức 1,2 tỷ UDS. Nhiều công ty của Canada đang chú ý đến thị trường Việt Nam.
Hy vọng các vòng thương thảo về Hiệp định bảo hộ đầu tư nước ngoài (FIPA) giữa Canada và Việt Nam sẽ kết thúc trong thời gian không xa. Đến lúc đó, tôi tin tưởng rằng sẽ có nhiều doanh nghiệp Canada sang làm ăn tại Việt Nam.
Chương trình phát triển của Canada tại Việt Nam cũng hoạt động rất tích cực với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và công bằng, đồng thời cũng góp phần đảm bảo an ninh lương thực. Canada sẽ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư thuận lợi và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ ở khu vực nông thôn, nâng cao năng suất trong nông nghiệp, đồng thời lồng ghép thúc đẩy môi trường bền vững với vấn đề bình đẳng giới.
Bà có thể chia sẻ một chút thông tin về cá nhân và gia đình? Là một phụ nữ thuộc nhóm sắc tộc bản địa của Canada, điều này đã giúp gì cho bà trong sự nghiệp làm ngoại giao của mình?
- Tôi sinh tại bang British Columbia, thuộc sắc tộc bản xứ Ahtahkakoop. Tôi tốt nghiệp kỹ sư cơ khí tại Đại học Saskatchewan và sau đó tôi cũng lấy bằng luật ở đại học này. Tôi cũng lấy bằng Thạc sĩ Luật quốc tế tại Đại học Ottawa và Thạc sĩ quản trị công tại Đại học Harvard.
Trước khi vào Bộ Ngoại giao và Thương mại Quốc tế (DFAIT) năm 1989, tôi làm thư ký luật cho Phòng Kháng án của Tòa án Liên bang Canada. Tại DFAIT, tôi đã được cử đi công tác tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Bogota (Colombia), Miami (Mỹ), Geneva (Thụy Sĩ), New York (Mỹ), và bây giờ là Hà Nội.
Là người thuộc cộng đồng các sắc tộc bản địa của Canada, điều đó giúp tôi hiểu thấu đáo hơn các vấn đề của người bản địa hoặc của các nhóm dân tộc thiểu số tại những quốc gia tôi đến công tác.
Được biết, bà là một nhân vật có uy tín trong cộng đồng các sắc tộc bản địa của Canada, từng học tại Trường Đại học Harvard của Mỹ, và có nhiều kinh nghiệm ngoại giao, đặc biệt nổi tiếng với vai trò trong Ủy ban Sự thật và Hòa giải của Canada, bà sẽ đem những kinh nghiệm quý báu đó đến làm việc tại Việt Nam như thế nào?
- Tôi hy vọng kinh nghiệm bản thân sẽ giúp tôi hiểu thấu đáo hơn về tình hình Việt Nam, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến các nhóm dân tộc thiểu số và hỗ trợ phát triển. Các nhóm thiệt thòi thường phải đối mặt với các vấn đề chung, chẳng hạn như quyền tiếp cận với giáo dục và các dịch vụ thiết yếu (nước sạch, y tế, hỗ trợ pháp lý); khoảng cách phát triển; tham gia nhiều hơn nữa vào quá trình xây dựng chính sách; dinh dưỡng trẻ em...
Hy vọng với đội ngũ cán bộ nhân viên đầy tâm huyết và có trình độ của Đại sứ quán Canada ở Hà Nội cũng như Lãnh sự quán tại TP.HCM, tôi có thể góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ trên nhiều lĩnh vực giữa Canada và Việt Nam, đồng thời quảng bá được nhiều hơn nữa về những mối quan tâm và ưu tiên của Canada.
Xin cảm ơn Đại sứ!
Đăng Thúy - Linh An (thực hiện)