Dân Việt

Nơi người khuyết tật gửi niềm tin

26/09/2010 09:25 GMT+7
(Dân Việt) - Mặc dù mới đi vào hoạt động hơn 2 năm, nhưng Trường Trung cấp nghề dành cho thanh, thiếu niên đặc biệt khó khăn Thanh Hóa đã trở thành nơi gửi gắm niềm tin của nhiều người khuyết tật và lao động nghèo tỉnh này.

Tiếp sức cho người khuyết tật

Phút đầu tiên khi chúng tôi đến thăm trường, nhiều học sinh khuyết tật nhìn thấy khách lạ vào lớp thì tỏ ra khá rụt rè, e thẹn… Nhưng chỉ vài phút sau, mọi hoạt động trong lớp đều trở về bình thường. Các em lại chăm chú với công việc học thêu ren, may, sửa máy vi tính, nghề cơ khí...

img
Lớp học gò, hàn ở Trường Trung cấp thanh, thiếu niên khuyết tật và đặc biệt khó khăn Thanh Hóa.

Trao đổi với NTNN, ông Hoàng Đình Tưởng - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hơn ai hết, học sinh khuyết tật và các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn rất khao khát có nghề, có việc làm và có thu nhập để trang trải cho những sinh hoạt hàng ngày của bản thân, để cảm thấy mình không phải là "người thừa", Vì vậy, trường mở những lớp học phù hợp với hoàn cảnh các em như điện dân dụng, thêu ren, cơ khí, gò, hàn, may công nghiệp... và kết hợp cung ứng nguồn lao động cho các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng công nhân.

Việc dạy nghề cho người khuyết tật là một công việc hết sức khó khăn, nhất là dạy cho người câm điếc. Chúng tôi tới tham quan lớp dạy điện dân dụng và thấy cảm phục sự nỗ lực của cả thầy và trò. Học sinh "nghe" bài giảng lý thuyết bằng tất cả các giác quan còn lại, thầy hướng dẫn tới đâu, thị phạm tới đấy. Ông Tưởng nói: "Ngoài dạy nghề, chúng tôi còn dạy các em sự tự tin, giúp các em xóa dần những mặc cảm bản thân để hòa nhập cộng đồng. Các em khuyết tật học có lâu hơn học sinh bình thường nhưng tay nghề khi đi làm không hề kém".

Do đó, mặc dù học sinh ở đây chủ yếu là những thanh thiếu niên khuyết tật nhưng có tới 80% được tuyển dụng ngay sau khi kết thúc khoá học, công việc cũng phù hợp khả năng của các em.

Con nhà nghèo có cơ hội

Trong năm học mới 2010-2011, nhà trường đào tạo 690 học sinh. Hiện, trường đã liên hệ việc làm cho 80% trong số này tại một số doanh nghiệp hoặc xưởng sản xuất…

Phó Hiệu trưởng Hoàng Đình Tưởng cho hay, phương châm của trường là: Đào tạo gắn với việc làm, tìm kiếm để đưa thêm nghề mới vào giảng dạy, tạo cho các em học sinh khuyết tật, con nông dân nghèo đặc biệt khó khăn thêm cơ hội học nghề phù hợp với khả năng và sức lao động của mình.

Em Cao Văn Nhị (SN 1991), quê ở xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hóa, thuộc diện học sinh đặc biệt khó khăn đang theo học lớp điện dân dụng, cho biết: "Chúng em được học trong môi trường rất thuận lợi. Tất cả các khoản đóng góp ở trường đều được nhà nước hỗ trợ.

Em đang phấn đấu học giỏi để được nhận học bổng và sau khi học xong, có công ăn việc làm". Còn em Quách Văn Thành (SN 1994), quê ở xã Cán Khê, huyện miền núi Như Thanh, cũng thuộc diện gia đình đặc biệt khó khăn, tâm sự: Điều kiện học tập ở đây rất tốt, thầy cô dạy bảo chu đáo. Em đang phấn đấu học nghề thật giỏi để về quê mở cửa hàng sửa chữa điện dân dụng…

Để tạo thêm cơ hội được học nghề cho học sinh, trong năm học mới này, nhà trường đã liên kết, xây dựng thêm chương trình đào tạo nghề làm tóc giả - một nghề dễ học, dễ làm và rất phù hợp với những em có khuyết tật chân, đặc biệt đối với các em nữ. Bên cạnh đó, Ban giám hiệu nhà trường đã đổi mới phương thức tuyển sinh bằng cách tiếp cận trực tiếp với các đối tượng, giúp học sinh và phụ huynh hiểu được những chế độ, chính sách mà nhà trường đang áp dụng.

Tuy nhiên, cũng theo ông Tưởng, dù đào tạo thế nào thì cái đích cuối cùng vẫn là giải quyết được việc làm cho các em sau khi đã có nghề trong tay. "Chúng tôi đang mở rộng hình thức đào tạo đa nghề bằng cách liên kết với các doanh nghiệp để dạy các nghề theo nhu cầu của họ. Chúng tôi sẽ cố gắng huy động nhiều nguồn để đảm bảo chính sách dạy và học nghề hiệu quả cho người khuyết tật trên địa bàn"- ông Tưởng nói.