Việc Bộ Công Thương chuẩn bị trình Chính phủ cơ chế điều chỉnh giá điện “tăng theo quý” đang khiến tất cả khách hàng sử dụng điện lo lắng. Nếu tăng giá điện theo giá thị trường để thu hút các nhà đầu tư vào ngành điện, thì không có lý do gì “tăng theo quý”, mà phải có giá sàn tăng hợp lý để nhà đầu tư yên tâm có lãi khi đầu tư vào ngành điện ở Việt Nam.
Còn tăng/giảm theo quý, mà thực chất theo nhiều nhà phân tích chỉ rõ, cũng như xăng dầu, nói tăng/giảm là “nói trấn an” chứ “tăng là chính, không thể và không hề có chuyện giảm”. Chủ trương tăng/giảm theo quý, ngoài chuyện bất hợp lý vì giá điện không thể biến động như giá xăng dầu, còn khiến nhà đầu tư vào ngành điện không yên tâm, do sự biến động giá như thế chỉ có lợi cho nhà buôn điện, chứ không bao giờ có lợi cho nhà đầu tư xây dựng nhà máy điện.
Vấn đề thiết cốt với điện Việt Nam bây giờ, là làm sao để có đủ lượng điện cung cấp theo nhu cầu bình thường, chứ không phải tăng/giảm giá (mà thực chất là tăng) nhằm có lợi cho nhà buôn điện, thậm chí góp phần gây lũng đoạn thị trường điện-một thị trường đặc biệt nhạy cảm vì liên quan trực tiếp đến nền kinh tế quốc gia.
Tăng giá điện theo thị trường điện khu vực để thu hút nhà đầu tư, nhưng cũng phải tính toán để tăng bao nhiêu là hợp lý, và phải ổn định ở mức tăng hợp lý ấy trong một thời gian đủ dài, chứ không phải biến động theo từng quý.
Tăng giá điện theo quý không vì lợi ích của khách hàng dùng điện đã đành, cũng không vì lợi ích của nhà sản xuất điện, mà chỉ vì lợi ích của nhà bán buôn điện. Vì, thật vô lý khi giá nước cho thủy điện, giá than cho nhiệt điện không hề tăng theo quý. Chỉ có giá dầu - khí là có biến động, nhưng cũng không thể tính theo quý với các nhà máy sản xuất điện từ dầu hay khí.
Trong khi việc quan trọng nhất mà EVN và Bộ Công Thương cần phải tính và cần có một kế hoạch dài hạn, một tầm nhìn xa là khả năng và kế hoạch sản xuất, cung cấp điện ổn định cho quốc gia thì lại không thấy nói tới.
Quá dựa vào thủy điện “giá rẻ”, trong lúc lại tính tăng giá điện theo giá thị trường, mà chẳng hề quan tâm phát triển nhiệt điện hay phong điện để bình ổn nguồn cung điện, giờ lại tính tăng giá điện “theo quý”, thực chất đó chỉ là kiểu tính toán “hớt ngọn” chứ không phải là tính toán chiến lược hay căn cơ vì lợi ích chung của cả nền kinh tế quốc gia.
Sự bất lực của EVN trong cung cấp điện lại dẫn tới sự phiêu lưu của Bộ Công Thương trong giá bán điện, câu hỏi cuối cùng mà đất nước đặt ra là “điện đâu?” - câu hỏi ấy vẫn chưa được trả lời.
Thanh Thảo