Bỏ sân vì bóng đá xấu
Hơn chục năm trước, mỗi khi đội bóng Long An (chưa về với Gạch Đồng Tâm của bầu Thắng) thi đấu, cả trăm người dân ở xóm Tương (xã An Vĩnh Ngãi, Tân An) rồng rắn kéo nhau ra sân ủng hộ đội nhà.
Những CĐV là nông dân thứ thiệt trên khán đài sân Long An chiều 25-9 |
Cả xóm lúc ấy chỉ có mấy chiếc xe đạp cà tàng, ưu tiên cho mấy ông già. Thanh niên trai tráng và đám trẻ con muốn coi đá banh phải đi từ giữa trưa vì phải lội bộ cả chục cây số. Uống trà đá, ăn khoai mì để lấy sức hò hét nhưng khán đài lúc nào cũng dậy sóng bởi tình yêu bóng đá của nông dân.
Đùng một cái, sự cố cầu thủ đội Long An hè hội đồng đánh đội khách, đánh luôn trọng tài khiến khán giả nổi giận. Tức mình, dân xóm Tương bảo nhau tẩy chay đội bóng. "Giận" đội tỉnh, tình yêu bóng đá của nông dân dành cho tuyển VN. Mỗi khi tuyển VN thi đấu, dân xóm Tương rủ dân xóm Ngọn (xã Trung Lợi, Chợ Gạo, Tiền Giang) cùng làm gà làm vịt, thêm vài lít rượu gạo rồi hàng chục người cứ thế hò hét khản cổ quanh cái ti vi đang truỵền hình trực tiếp.
Thế nhưng, nhiều cầu thủ ở đội tuyển cũng chơi thứ bóng đá xấu. Vụ bán độ của một số cầu thủ đội U23 khiến nhiều người hụt hẫng, vừa đau đớn vừa tức giận. Không chỉ dân xóm Tương, mà cả dân xom Ngọn bắt đầu thờ ơ với bóng đá. "Giận" đội tuyển, dân giận lây luôn đội tỉnh. Những trận đội hạng nhất Long An thi đấu, SVĐ mở cửa tự do nhưng vẫn không có khán giả…
Hâm nóng tình yêu bóng đá
Suốt thời gian vòng chung kết, ông Trương Văn Cung - nông dân đang canh tác 2ha sen ở kinh Hai Vụ, xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh (vùng Đồng Tháp Mười, Long An) giao luôn đám sen nhờ hàng xóm trông giúp để về Tân An "coi nông dân đá banh". Ông Cung cho biết, con dâu ông làm ở Sở VH-TT&DL, trận nào cũng được 1 vé mời nhưng số vé cứ ngày một dày lên vì cả nhà ông hơn 10 năm nay không ai xem bóng đá.
"Nhà đài có tường thuật trực tiếp tui cũng hổng thèm coi. Nói thật ban đầu tui cũng hơi tò mò nên vô sân coi nông dân đá đấm thế nào. Dè đâu thấy kiểu đá dễ thương quá nên tui rủ luôn vợ vô sân ủng hộ nông dân" - ông Trương Văn Cung nói. Không chỉ có ông Cung, hàng chục nông dân khác ở xóm Tương cũng kéo nhau vô sân coi nông dân đá bóng. Dù đội bóng nông dân Long An bị loại sớm nhưng các trận bán kết và chung kết, trên khán đài hơn 90% là dân Long An.
- ông Trương Văn Cung
Cựu tuyển thủ Việt Nam Nguyễn Thúc Vũ (giờ đang là nhân viên cho một sở ở Long An) cũng tranh thủ các buổi chiều vào sân xem nông dân đá bóng. "Đương nhiên không thể lấy chất lượng chuyên môn làm thước đo giá trị của giải, vì trên sân là nông dân đá bóng. Tuy nhiên, phải nói là tôi rất thích cách các đội thi đấu, vô tư hồn nhiên đúng chất nông dân. Bản thân tôi cũng con nông dân nòi mà"- anh Vũ nói.
Chủ nhà bị loại sớm. Hai đội miền Nam là Tây Ninh và Tiền Giang cũng thua trong trận bán kết. Trận chung kết là cuộc chơi của đội bóng miền Bắc - Thái Nguyên và khúc ruột miền Trung - Quảng Ngãi. Trận đấu được truyền hình trực tiếp, phát sóng cả nước nên Ban tổ chức lo ngại các đội sẽ thi đấu trong cái sân không trống không kèn.
Thế nhưng, nỗi lo trở thành lo hão khi các cầu thủ được thi đấu trong sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả. Ở khán đài B, khán giả chia làm 2 phe cổ vũ cho đội bóng mà mình yêu thích với trống kèn vô cùng sôi động nổi liên tục cho mỗi pha lên bóng. Nhiều khán giả ở khu vực khán đài A thậm chí còn ngạc nhiên với nhóm cổ động viên "phá bĩnh"… khá dễ thương. Cũng trống, cũng chiêng nhưng nhóm này cổ vũ cho bất kỳ pha bóng nào mà họ thấy đẹp.
Một cán bộ công an làm nhiệm vụ trên sân còn tỏ vẻ ngạc nhiên, vì lâu nay chỉ có khu khán đài B mới sôi động, nay cả khán đài A (lâu nay mặc nhiên chỉ có khách VIP - PV) cũng đủ kiểu hò hét. Ông Trần Văn Thanh (ngụ TP. Mỹ Tho, Tiền Giang) cho biết, đội Tiền Giang thua Quảng Ngãi ở bán kết nhưng nhóm CĐV Tiền Giang vẫn kéo nhau về Long An cổ vũ cho "kẻ thù" bởi lý do đơn giản: Quảng Ngãi đá dễ thương… như Tiền Giang. Có lẽ nhờ sự cổ vũ vô tư này mà Quảng Ngãi đã có trận đấu khá bốc và giành cúp vàng.
Nam Hải - Hữu Danh - Phương Nam