Theo Bộ LĐ-TB&XH, một trong những căn cứ để tăng lương là khả năng chi trả của DN. Ảnh minh họa: chụp tại Nhà máy Panasonic Việt Nam. |
Sẽ có vùng được tăng kép
Ông đánh giá thế nào về tác động của phương án tăng lương tối thiểu cho doanh nghiệp năm 2010 mà Bộ LĐ-TB&XH dự định trình Chính phủ?
- Từ năm 2008 tới nay đã có 3 lần điều chỉnh lương tối thiểu. Mức lương tối thiểu tăng đã góp phần cải thiện đời sống của người lao động và phù hợp với khả năng trả lương của doanh nghiệp.
Ông Phạm Minh Huân-Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH |
Đầu năm 2010, Bộ LĐ-TB&XH đã tiến hành khảo sát ở 1.700 doanh nghiệp khắp ba miền Bắc, Trung, Nam cho thấy có hơn 98% số doanh nghiệp đang trả lương cho người lao động bằng hoặc cao hơn mức lương được nhà nước quy định.
Nhiều doanh nghiệp hiện trả lương cho người lao động cao hơn mức dự định tăng trong năm tới. Như vậy, việc tăng lương sẽ không ảnh hưởng nhiều tới chi phí của doanh nghiệp.
Về phía người lao động và các đơn vị có chức năng giới thiệu việc làm thì cho rằng đây là mức tăng thấp, ông nghĩ sao?
- Tại Hội nghị lấy ý kiến các bộ ngành và địa phương về mức lương tối thiểu mới theo vùng, cũng có nhiều ý kiến nói mức tăng thấp. Nhưng thực tế, mức lương tối thiểu mới dự kiến tăng tùy thuộc vào các vùng khác nhau. Lần tăng tới bắt đầu từ năm 2011 nhiều địa phương sẽ có sự tăng kép. Đó là người lao động cùng một lúc được tăng hai lần lương là tăng mức lương tối thiểu chung và tăng do dịch chuyển từ vùng thấp lên vùng cao.
Có 15 quận huyện, thành phố, thị xã tăng từ vùng 2 lên vùng 1; 30 quận huyện, thị xã, thành phố tăng từ vùng 3 lên vùng 2; 57 quận huyện, thị xã tăng từ vùng 4 lên vùng 3 và không có nơi nào giảm vùng áp dụng tiền lương tối thiểu.
Nếu tính theo con số tuyệt đối thì dự kiến mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với các doanh nghiệp từ đầu năm 2011 sẽ tăng từ 100.000 - 270.000 đồng/tháng so với hiện nay. Cụ thể, mức tăng thấp nhất 100.000 đồng/tháng là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại vùng 4, từ 1 triệu đồng/tháng như hiện nay lên 1,1 triệu đồng/tháng (tăng 10%). Mức tăng cao nhất 270.000 đồng/tháng là vùng 2 của các doanh nghiệp trong nước, từ 880.000 đồng/tháng lên 1,15 triệu đồng/tháng (tăng 30,7%). Như vậy, chúng tôi cho rằng mức tăng đó là hợp lý.
Phải tính tới chính sách thu hút đầu tư
Theo phương án của Bộ, mức tăng trung bình đối với doanh nghiệp trong nước là 21,5% và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 10,8%, tại sao lại có mức tăng khác nhau giữa 2 khối doanh nghiệp này, thưa Thứ trưởng?
- Theo đề án cải cách tiền lương giai đoạn 2008- 2012, lộ trình thống nhất tiền lương tối thiểu giữa các loại hình doanh nghiệp là năm 2012. Hiện nay lương tối thiểu khu vực trong nước đang cao hơn nhiều so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Như vậy để thống nhất với nhau thì dứt khoát phải có một bên chạy nhanh, một bên chạy chậm.
Sau năm 2012, lương tối thiểu sẽ giảm được những vấn đề bất cập dễ nhìn thấy hiện nay khi chúng đi vào đúng quỹ đạo. Tức là lao động ở tất cả loại hình doanh nghiệp đều có mức lương tối thiểu như nhau.
Cũng cần lưu ý, lương tối thiểu khác với thu nhập. Mức lương này tính cho lao động làm công việc giản đơn trong điều kiện bình thường. Ngoài ra, lao động còn được hưởng phụ cấp (nhiều loại phụ cấp như phụ cấp tay nghề, chức vụ, độc hại…), định mức (theo doanh số kinh doanh), tính công theo sản phẩm, tiền làm thêm, ăn trưa, ăn ca…
Như vậy, có thể cùng một loại hình công việc, cùng mức lương tối thiểu nhưng thu nhập của công ty A khác hẳn công ty B.
Nhưng với các doanh nghiệp FDI - nơi đang là điểm nóng các cuộc đình công hiện nay thì mức tăng đó có cải thiện được đời sống của người lao động không?
- Theo tính toán, chỉ số giá tiêu dùng chung 8 tháng đầu năm nay tăng 5,08% so với tháng 12 - 2009. So với 8 tháng đầu năm 2009, chỉ số giá tiêu dùng một số mặt hàng thiết yếu như lương thực thực phẩm tăng 9,39%, nhà ở tăng 14,97%, giao thông tăng 15,94%, hàng hóa và các dịch vụ khác tăng 11,79%...
Như vậy, mức tăng lương tối thiểu này chưa phải là cao, chỉ góp phần bù đắp đời sống cho người lao động. Tuy nhiên, một trong những căn cứ để tăng lương là khả năng chi trả của doanh nghiệp. Nếu mức tăng quá cao, doanh nghiệp không có khả năng chi trả, người lao động sẽ mất việc làm.
Khoảng cách vùng tiền lương tối thiểu hiện nay là khá lớn. Ví dụ như vùng 1 đang gấp gần 1,5 lần so với vùng 4. Trong khi đó, lao động ở vùng 4 chủ yếu là lao động nông thôn. Tại sao lại điều chỉnh lương ở vùng 4 ở mức như vậy, thưa Thứ trưởng?
- Khi điều chỉnh tiền lương tối thiểu, chúng tôi phải cân nhắc tới việc tăng lương và chính sách thu hút đầu tư vào các vùng. Vùng 3, vùng 4 đang là nhưng nơi phát triển chậm hơn, thị trường lao động chậm phát triển và thu hút được ít đầu tư, tạo được ít việc làm. Nếu những vùng này có mức lương tối thiểu quá cao, sẽ rất khó cho chính quyền địa phương thu hút đầu tư.
Bản thân các địa phương cũng không muốn lương tối thiểu ở những vùng này tăng quá cao. Ví dụ như huyện Quốc Oai, Hà Nội, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội nhất định xếp Quốc Oai vào vùng 3 mà không phải là vùng 2 vì cho rằng huyện này còn cần thu hút đầu tư, nếu lương tối thiểu cao quá thì doanh nghiệp không chịu vào.
Sự chênh lệch lương tối thiểu giữa các vùng sẽ giảm vào năm 2012.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
An Khuê - Huyền Thanh (thực hiện)