Cắt điện liên tục và không báo trước khiến nhiều cơ sở sản xuất ở Đà Nẵng khốn đốn. Ảnh chụp sáng 27-9. |
Đêm đêm canh điện
Gặp phóng viên NTNN chiều 27-9, chị Nguyễn Hồng Hạnh ở xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên (Bắc Giang) bức xúc: "Tôi thấy thông báo từ tháng 8 trở đi sẽ không bị cắt điện nữa vậy mà chỉ được hết tháng 8, sang đầu tháng 9 điện lại bị cắt như thường. Trung bình mỗi ngày cắt điện khoảng 8-10 tiếng đồng hồ, thậm chí có hôm cắt từ 6 giờ sáng tới 12 giờ đêm". Theo chị Hạnh, việc mất điện thường xuyên nên hầu hết bà con phải chủ động "canh" điện để sẵn sàng cắm quạt, đèn tích điện, bơm nước, xát gạo...
Không chỉ ở Bắc Giang, nhiều nơi ở Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc... từ đầu tháng 9 trở lại đây, điện lại tiếp tục bị cắt mà ít thấy báo trước. Bà Nguyễn Thị Hậu ở thị trấn Gia Khánh (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) cho biết, từ đầu tháng 9 tới nay điện sinh hoạt bị cúp liên tục, trung bình từ 6-8 tiếng mỗi ngày. "Tôi mới có cháu nội được hơn 1 tháng tuổi, trẻ con không chịu được nóng nên phải đi sắm một chiếc ắc quy hơn 1 triệu đồng để phòng khi cúp điện".
Tại nhiều vùng nông thôn ở Đà Nẵng, mấy tuần qua, cứ khoảng 2-3 ngày lại bị cắt điện một ngày. Thời gian cắt từ 4 giờ sáng đến 17 giờ chiều. Ông Nguyễn Thành (thôn Trường Định, xã Hòa Liên, Hoà Vang) cho biết, hiện tôm nuôi đang trong thời điểm sinh trưởng, nếu thiếu oxy thì chết là cái chắc. Vì thế, nhiều gia đình của thôn đã trang bị thêm máy nổ chạy dầu. "Có tốn kém nhưng cứ mua để đề phòng trước, chứ điện đóm phập phù thế này, dễ mất cả chì lẫn chài"- ông Thành nói.
Khu vực ĐBSCL cũng chịu cảnh cúp điện tương tự, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Ông Nguyễn Hoàng Điệp - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Kinh Cùng (huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) cho biết: "Ngay trong mùa mưa mà cứ 2 ngày thì có 1 ngày cúp điện nên ảnh hưởng lớn đến sản xuất của bà con nông dân. Ngoài ra, thời gian cúp điện lại kéo dài từ sáng sớm đến 23 giờ đêm nên người dân cũng không thể có điện sinh hoạt". Còn trên địa bàn TP. Sóc Trăng và một số huyện như Mỹ Xuyên, Châu Thành, Mỹ Tú… thường xuyên xảy ra cúp điện theo kiểu ngày có ngày không hoặc ngày có đêm cúp... Ông Thạch Tạ - Bí thư Đảng ủy xã Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú) cho biết: "Đã 5 ngày qua tại xã chúng tôi bị cúp điện. Các hoạt động nhờ máy tính của UBND xã và trường học tê liệt hết".
Nguồn cung điện căng thẳng
Ông Đào Văn Hưng - Chủ tịch HĐQT EVN
Ngày 27-9, ông Trần Đình Thanh - Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Trung cho biết, hiện tại ở miền Trung, các hồ thuỷ điện vẫn trong tình trạng cạn kiệt, một số hồ đã về sát mực nước chết. Vì thế, tình hình cung ứng điện ngày càng căng thẳng.
Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện đang tăng từng ngày. Từ đầu tháng 9 đến hết ngày 27-9, điện lực miền Trung phải cắt tải do thiếu nguồn trên hệ thống điện 500 kV là 16 lần, cắt điện do sa thải đặc biệt là 9 lần. Còn Tổng công ty Điện lực miền Bắc cho biết, do nhu cầu điện quá lớn nên trong những ngày gần đây trung bình miền Bắc thiếu khoảng 1.000MW, do đó không thể tránh khỏi việc tiết giảm điện tại một số địa phương.
Theo báo cáo tình hình cung ứng điện của EVN được gửi đi, tháng 8 và 9, tình trạng thiếu điện vẫn xảy ra nên Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia vẫn phải thực hiện tiết giảm để hạn chế tải ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Trao đổi với NTNN chiều 27-9, ông Hồ Tuấn - Trưởng Ban truyền thông, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) cho biết, tình trạng thiếu điện chủ yếu do thiếu nước tại các hồ thủy điện. Thủy điện nếu phát hết công suất chiếm khoảng 6.500 MW/19.000 MW của cả hệ thống. Hiện EVN có 17 hồ thủy điện nhưng do tình hình hạn hán, nhiều hồ đang ở sát mực nước chết nên không thể phát điện hết công suất. Tính chung 8 tháng đầu năm 2010, mức nước thiếu hụt tại các hồ là 19,3 tỷ m3 tương đương khoảng 3,3 tỷ kWh điện. Bà Nguyễn Lan Châu - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn trung ương cho biết, do dòng chảy biến đổi chậm nên các nhà máy thuỷ điện sẽ không thể hoạt động hết công suất trong những ngày đầu tháng 10.
Nhóm phóng viên