Dân Việt

“Cò đất”

28/11/2010 17:15 GMT+7
(Dân Việt) - 62% số hộ được khảo sát phải chi cao nhất là 80 triệu đồng, để được giải quyết nhanh hồ sơ đất. 30,7% thừa nhận "phải bồi dưỡng" cho cán bộ. 33% doanh nghiệp nói phải có "quà lót tay" hoặc "chi phí không chính thức".

Nhưng quan trọng nhất là những con số từ phía cán bộ địa chính: 24,4% cán bộ địa chính thừa nhận có nhận môi giới, từ một số việc cho tới "dịch vụ trọn gói". 12% cán bộ thừa nhận "bắt tay" với trung gian và 25% trung gian cho biết có "hợp tác với cán bộ".

Đây là những con số được nêu trong báo cáo của Thanh tra Chính phủ, ngày 25-11, tại cuộc đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ 8 tại Hà Nội.

Có lẽ chưa có ở lĩnh vực nào, những chỉ số tham nhũng được nói tới rõ như trong lĩnh vực đất đai. Những con số trên đã nói lên tất cả. Nhưng điều đáng quan tâm hơn cả là khía cạnh công khai của những khoản tiền "chi phí không chính thức"… 24% cán bộ nhận tiền làm dịch vụ, cho chính công việc mà họ đã được trả lương để phục vụ nhân dân dường như phần nào “minh chứng” cho nhận định của đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Nguyễn Mạnh Quyền, rằng "công chức nhận tiền dễ dàng, nhận nhiều thấy quen, không có thì thấy thiếu".

Bởi khi đã dám công khai thừa nhận thì có nghĩa họ cho đó là việc bình thường, là lệ phí cần phải có. Tình trạng 12% cán bộ nhận "bắt tay" với trung gian cho thấy đã có sự móc nối rất rõ ràng. Và vì vậy, có thể tin rằng đất đai là lĩnh vực nhân dân gặp phải sự nhũng nhiễu nhiều nhất.

Khảo sát của Thanh tra Chính phủ cho thấy 84% số hộ chuyển nhượng nói hồ sơ của mình được cho là "có trục trặc". Để giải quyết, người chấp nhận gợi ý thì trực tiếp gặp cán bộ xin làm dịch vụ. 46% người khác đi qua cửa trung gian.

Tiền nào cũng phạm luật, chỉ khác một đằng là đưa tiền trực tiếp, một đằng đưa gián tiếp. Nếu không chấp nhận "làm luật", người dân sẽ gặp phải sự nhũng nhiễu kéo dài. Một kỷ lục thời gian về việc hộ sơ gặp trục trặc, bị lưu giữ đã được nêu ra: 3.000 ngày. Chính sự nhũng nhiễu của cán bộ đã tạo ra tầng lớp trung gian mà dân chúng vẫn gọi là “cò”.

TS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường dẫn kết quả khảo sát 600 ý kiến của cả người dân, các doanh nghiệp, và cán bộ để chỉ ra rằng, tham nhũng trong đất đai liên quan mật thiết đến "cò đất".

"Cò đất" sinh ra từ chính sự nhũng nhiễu, từ tham nhũng và nó tác động ngược trở lại, khiến cho trục trặc liên tục phát sinh, nhũng nhiễu trở thành căn bệnh cố hữu và tình trạng tham nhũng thêm nặng nề. Không phải vô nguyên cớ mà người dân đã tổng kết rằng ở đâu có tham nhũng, ở đó có “cò”.

“Cò đất” ở đâu? Chúng ở bất cứ nơi đâu có hồ sơ liên quan đến đất. Và chỉ cần dẹp được nạn “cò” thì nạn nhũng nhiễu, hành hạ người dân sẽ giảm đi đáng kể. Những cam kết chính trị của Chính phủ về chống tham nhũng sẽ có ý nghĩa khi kèm theo hành động mạnh mẽ.