Dân Việt

Xuất khẩu thuyền viên: Cơ hội vàng cho ngư dân

24/04/2013 07:24 GMT+7
(Dân Việt) - Chi phí nhẹ nhàng, tiêu chuẩn tuyển chọn đơn giản, số lượng tuyển lớn, thu nhập khá cao... Đấy là sự hấp dẫn của Đề án Xuất khẩu lao động (XKLĐ) thuyền viên cho ngư dân vùng ven biển, hải đảo.

Đề án này đang được Bộ LĐTBXH chuẩn bị triển khai thí điểm tại Quảng Ngãi.

Khá giả nhờ ra nước ngoài làm biển

Sáng 23.4, cán bộ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) đã có mặt tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) để khảo sát, nghe ý kiến từ chính quyền địa phương và ngư dân nơi đây làm cơ sở hoàn thiện đề án trên. Hầu hết ngư dân Lý Sơn đều rất thích thú với đề án này. Sở dĩ như vậy do một phần nhiều người trong số họ đã từng xuất ngoại để lao động.

Từ năm 2010 đến nay, qua Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (gọi tắt là Chương trình EPS) của Chính phủ Hàn Quốc và một số chương trình khác, đã có khoảng 180 ngư dân ở các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Đức Phổ và huyện đảo Lý Sơn được đưa sang Hàn Quốc để khai thác thủy sản. Tại Trung tâm Giới thiệu việc làm (TTGTVL) tỉnh Quảng Ngãi, hiện có 18 ngư dân đang chờ bay qua Hàn Quốc; 17 người khác đang được học tiếng để xuất ngoại sang Hàn Quốc làm biển.

img
Nhiều lao động nghèo vùng ven biển sẽ có điều kiện ra nước ngoài làm giàu.

Sau khi xuất ngoại theo Chương trình EPS vào năm 2010, ngư dân Nguyễn Văn Viễn, ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, gửi tiền về cho gia đình xây ngôi nhà trên 500 triệu đồng thay thế cho căn nhà cũ. Chia sẻ với chúng tôi, người nhà của ngư dân Nguyễn Văn Viễn cho biết: “Hiện nay đi biển ngày càng khó khăn, lỗ nhiều hơn lãi do nhiều chi phí như xăng dầu, đá lạnh tăng cao... Nếu bám biển thì cũng chỉ đủ ăn. Còn đi xuất khẩu thì sẽ có của ăn, của để”.

Cũng từ số tiền mà ngư dân Nguyễn Hào, ở xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh, sang làm thuyền viên tại Hàn Quốc từ năm 2011 gửi về, người thân của ngư dân này đã có điều kiện hùn vốn để đóng phương tiện, mua sắm ngư cụ ra khơi. Còn ngư dân Phan Viết Tùng (23 tuổi, ở thôn Thạch By, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ) đang học tiếng để đi xuất khẩu tại (TTGTVL) tỉnh Quảng Ngãi tâm sự: Do thu nhập từ đánh bắt với các tàu trong vùng thấp, nên tôi đăng ký học ngoại ngữ để tìm cơ hội làm giàu từ đi biển ở nước bạn. Hy vọng, sau một vài năm xuất ngoại, tôi sẽ có vốn liếng để làm ăn.

Mở cánh cửa xuất ngoại cho ngư dân

Tính đến thời điểm này, cả nước có khoảng 40 doanh nghiệp đã và đang cung ứng thuyền viên đánh cá cho các đội tàu của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... với tổng số khoảng 20.000 lượt người. Nhiều công ty có số lượng thuyền viên đưa đi hàng năm cao như: LOD, INMASCO, TTLC, SERVICO HANOI, TSC, Vạn Hoa.

Theo Sở LĐTBXH Quảng Ngãi, hiện địa phương có 6 huyện ven biển nên lực lượng tham gia nghề biển của tỉnh rất lớn. Tuy nhiên, ước tính chỉ có khoảng 20% trong số đó có đủ vốn để đóng mới tàu thuyền, sắm ngư lưới cụ hành nghề đánh bắt gần và xa bờ. Vì vậy nhu cầu đi XKLĐ ra nước ngoài để tham gia đánh bắt hải sản rất lớn. “So với các chương trình tương tự đang triển khai thì đây là một cơ hội vàng cho số ngư dân nghèo, thu nhập thấp ở vùng ven biển, hải đảo của tỉnh” - ông Võ Duy Yên - Giám đốc TTGTVL Quảng Ngãi cho biết.

Với các chương trình XKLĐ khác, muốn xuất ngoại, ngoài thời gian học ngoại ngữ 4 tháng, thi tuyển gắt gao, ngư dân phải chịu chi phí khá cao, ít thì 25 triệu đồng/người, nhiều lên đến 80 triệu đồng/người. Trong khi đó, tuy mức thu nhập xuất khẩu theo đề án XKLĐ thuyền viên cho ngư dân vùng ven biển, hải đảo chỉ khoảng 400 USD, bằng gần 50% so với các chương trình khác nhưng chi phí lại chỉ bằng 1/3. Cụ thể, chi phí ngư dân bỏ ra cho việc xuất ngoại làm thuyền viên chỉ 500 USD/người, tương đương khoảng 10 triệu đồng/người; thời gian học ngoại ngữ chỉ 3 tháng, các tiêu chuẩn cũng đơn giản, dễ hơn. Và điều quan trọng việc tuyển dụng mang tính đại trà, không cần phải thi tuyển. Nói một cách khác là đã đăng ký xuất ngoại là chắc chắn đi được, nếu sức khỏe đảm bảo.

Theo ông Nguyễn Duy Yên thì ngoài mức thu nhập khá cao và ổn định, đây cũng là cơ hội để ngư dân học hỏi, tiếp cận với phương pháp đánh bắt khoa học, hiện đại. 

Kết nối cung cầu ngư dân - doanh nghiệp

Trao đổi với phóng viên NTNN, bà Hoàng Kim Ngọc - Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết: Chương trình XKLĐ thuyền viên được các doanh nghiệp có giấy phép XKLĐ thực hiện từ khá lâu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này mới chỉ tiếp cận được lao động khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Trong khi đó, Quảng Ngãi và các tỉnh ven biển khác cũng có nguồn lao động nghề này nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Thực tế lao động ở đây nhiều người làm nghề theo kiểu cha truyền con nối. Về tay nghề, lao động ở đây được đánh giá rất cao, không kém lao động ở các tỉnh khác, nhưng về các mặt khác, như sức khỏe thì phải tìm hiểu thêm.

Bà đánh giá lao động ở đây có thể đi XKLĐ thuyền viên nghề cá được, vì sao họ chưa đi?

- Vì họ chưa có thông tin về các chương trình XKLĐ, các DN XKLĐ cũng chưa tiếp cận được họ, chưa cung cấp được thông tin về lương, cơ hội việc làm nên chưa khai thác được nguồn lao động này. Vấn đề ở đây là cần tuyên truyền để người dân biết các doanh nghiệp XKLĐ, tìm hiểu các đơn hàng và thị trường lao động nơi họ đến.

Nhiều lao động cho rằng mức lương của lao động thuyền viên nghề cá còn thấp, trong khi điều kiện làm việc vất vả, nguy hiểm nên họ không mặn mà. Vấn đề này đã được cải thiện chưa, thưa bà?

- Trong đoàn đi lần này có 6 doanh nghiệp XKLĐ đang tuyển lao động cho các hợp đồng đưa lao động đi làm nghề thuyền viên tàu cá. Các hợp đồng này đều nói rõ mức lương từ 350-400 USD/tháng đối với lao động đi lần đầu. Nếu lao động có kinh nghiệm, đi lần 2 trở lên thì lương sẽ cao hơn, có thể lên tới 1.000 USD/tháng (cho cả thuyền viên làm việc gần bờ và xa bờ). Lao động nghề này có đặc điểm tiền lương 100% là bỏ túi gửi về nước bởi toàn bộ chi phí ăn ở, sinh hoạt trên tàu đã được chủ sử dụng lao động đài thọ.

Tại Nghệ An, Hà Tĩnh…, lao động đi XKLĐ nghề này mất khá nhiều tiền cho “cò”, ở Quảng Ngãi, tình trạng này liệu có được kiểm soát?

- Hiện nay, các DN XKLĐ đều cam kết chi phí xuất cảnh của 1 lao động là 500 USD. So với đi XKLĐ các nghề khác, chi phí này thấp hơn nhiều. Thực tế, người dân có mong muốn đi XKLĐ nghề thuyền viên, các doanh nghiệp thì thiếu nguồn lao động. Chuyến đi này của Cục cũng nhằm hỗ trợ, kết nối “cung – cầu” lao động nghề này, tránh việc lao động phải đi qua “cò” mất nhiều chi phí không cần thiết, tránh rủi ro cho lao động.

Đoàn đã đi khảo sát thực tế, vậy đã có đề xuất gì hỗ trợ cho lao động nghề này không, thưa bà?

- Chúng tôi vẫn đang khảo sát thực tế nên chưa nói được về vấn đề này. Tuy nhiên, các chương trình đã có hiện vẫn đang triển khai, lao động được hỗ trợ đào tạo lao động theo Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm. Nếu cần hỗ trợ nào đặc thù, chúng tôi sẽ tiếp tục đề xuất.