Đó là cách hỗ trợ ND của các cấp hội ND ở Hà Tĩnh để vận động ND tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM).
5 năm trở lại đây, tỉnh Hà Tĩnh triển khai nhiều dự án lớn có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế không chỉ trong tỉnh mà của cả nước. Theo đó, hàng ngàn ha đất canh tác của người dân bị thu hồi cho các dự án. Để giúp người dân ổn định đời sống, sản xuất, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, trong đó có Hội ND.
Ông Phan Bá Đạo, xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà nuôi cá thu lãi cao nhờ được Quỹ Hỗ trợ ND cho vay vốn. |
Kết nối 4 nhà
Ông Trần Trung Thành - Phó Chủ tịch Hội ND Hà Tĩnh cho biết, cùng với tuyên truyền, Hội đã khảo sát thực trạng, nhu cầu chuyển đổi cơ cấu sản xuất, chuyển đổi nghề cho ND. Từ kết quả khảo sát đó, Hội đã hướng dẫn, hỗ trợ ND chuyển sang chăn nuôi lợn, gà, trồng rau an toàn, phát triển nghề thủ công mỹ nghệ; đồng thời đứng ra làm đầu mối liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho ND.
Anh Trần Xuân Vinh
Chị Nguyễn Thị Hồng, xóm Lê Lợi, xã Kỳ Liên, huyện Kỳ Anh cho biết: "Gia đình tôi nhường đất cho Dự án Fomosa nên không còn đất sản xuất. Nhờ Hội ND tỉnh triển khai đề án chuyển đổi nghề cho ND vùng tái định cư, gia đình tôi được Ngân hàng CSXH cho vay 30 triệu đồng để xây chuồng trại và một hầm biogas. Cùng với tiền tích góp, tôi mua 27 con lợn giống, trong đó có 2 con nái. Sau 3 tháng nuôi, tôi xuất lứa lợn đầu tiên 20 con, được 48 triệu đồng, trừ chi phí, lãi 15 triệu đồng. Nhờ liên kết trong chăn nuôi nên tôi được ngân hàng cho vay lãi suất ưu đãi; giống, thức ăn được các công ty chăn nuôi cung ứng; kỹ thuật có cán bộ thú y hướng dẫn; đầu ra đã có doanh nghiệp lo. So với làm lúa, chăn nuôi lãi hơn".
Cùng với đó, Hội đứng ra làm cầu nối cho hội viên vay vốn phát triển sản xuất các nghề truyền thống. Anh Trần Xuân Vinh ở thôn 2, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân cho biết: "Xuân Phổ chủ yếu là đất cát bạc màu, trồng lúa và hoa màu thu nhập thấp, năm 2011, qua Hội ND xã, gia đình tôi được Quỹ Hỗ trợ ND cho vay 20 triệu đồng mở xưởng sản xuất mộc. Sau 2 năm hoạt động, xưởng mộc của tôi đã giải quyết việc làm cho 5 lao động và mỗi tháng vợ chồng tôi có thu nhập 16 triệu đồng".
Nòng cốt xây dựng NTM
Nhiệm kỳ 2008 - 2013
80% Là số hộ nông nghiệp có hội viên, tăng 1,12% so với nhiệm kỳ trước.
6.150 Là số lượt cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng.
114.800 Là số sản phẩm tre đan xuất sang thị trường Nhật Bản.
67.000 Là bình quân số hộ ND đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp mỗi năm...
Ông Thành cho biết thêm: 3 năm trở lại đây, phong trào xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh diễn ra rất sôi nổi và lan tỏa xuống từng hộ dân, chính ND là lực lượng nòng cốt trong xây dựng NTM. Đến nay Hà Tĩnh đã có 6 xã đạt từ 16 - 18 tiêu chí NTM. Trong đó, xã Tùng Ảnh cơ bản đạt 19 tiêu chí; 44 xã đạt từ 10 - 15 tiêu chí; 155 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí; chỉ còn 30 xã dưới 5 tiêu chí. Đạt được kết quả này có sự đóng góp của các cấp Hội ND, qua việc xây dựng hàng trăm chuyên mục tập huấn, tuyên truyền phổ biến về mục đích, ý nghĩa, nội dung của Chương trình xây dựng NTM, tổ chức 4.189 buổi họp dân vận động giải phóng hành lang giao thông nông thôn. Đặc biệt, đã có 52.140 hộ ND hiến 276,3ha đất, trị giá hàng trăm tỷ đồng. Nhờ đó, đã nhựa, bê tông hóa được 3.458km đường giao thông nông thôn.
Theo ông Thành, một trong những tiêu chí để xây dựng NTM bền vững là tập trung vào phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho ND. Phong trào ND thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng thu hút hàng chục ngàn hộ hưởng ứng. Năm 2012, có 67.095 hộ được công nhận SXKD giỏi các cấp. Trong đó, cấp T.Ư có 275 hộ, cấp tỉnh 2.884 hộ...
Hữu Anh