Đây là vấn đề được quan tâm nhất tại Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ TNMT phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 24.4.
Linh hoạt khi thu hồi đất
Phát biểu tại hội nghị, ĐB Lê Trọng Sang (đoàn TP.HCM) nhấn mạnh: Nên áp dụng cơ chế cụ thể khi thu hồi đất nông nghiệp. Cho rằng nông dân sẽ gặp không ít khó khăn khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp, ông Sang kiến nghị: “Khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không có đất nông nghiệp để bồi thường thì ngoài việc người dân được bồi thường bằng tiền, cần hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm, cho vay vốn để nông dân bớt khó khăn”.
Các đại biểu Quốc hội kiến nghị tăng thêm nhiều quyền lợi cho nông dân bị thu hồi đất. |
Đồng tình với quan điểm này, nhiều ý kiến nêu rõ, trường hợp người được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm trong độ tuổi lao động có nhu cầu được đào tạo nghề thì cần được nhận vào các cơ sở đào tạo nghề, được ưu tiên bố trí việc làm, ưu đãi vay vốn tín dụng để phát triển sản xuất, kinh doanh. Đây là điều rất cần thiết nhằm đảm bảo đời sống cho nông dân trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất và thể hiện được tính khả thi khi triển khai...
Mở rộng vấn đề về cơ chế thu hồi đất, ý kiến của các đại biểu tập trung phân tích kỹ việc cần có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục cưỡng chế, thu hồi đất để khắc phục tình trạng tùy tiện trong việc cưỡng chế thu hồi đất và tạo cơ sở pháp lý để các địa phương có được sự thống nhất trong quá trình thực hiện. Xung quanh quy định thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, ĐB Nguyễn Thanh Thụy (đoàn Bình Định) đề nghị làm rõ thế nào là sử dụng đất không đúng mục đích.
“Quy định hiện nay còn chung chung, chưa hợp lý vì trên thực tế, ở địa phương còn nhiều diện tích trồng cây lâu năm không hiệu quả, người sử dụng đất tự chặt bỏ để chuyển sang cây trồng hàng năm hoặc đất trồng cây hàng năm chuyển sang trồng lúa. Do đó, nếu quy định như dự án luật, thu hồi đất trong trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích là chưa phù hợp, cần làm rõ để tạo sự linh hoạt trong chuyển đổi” - ông Thụy phân tích.
Không nên ban hành khung giá đất
Đóng góp ý kiến về quyền sử dụng đất, ĐB Huỳnh Thành Lập (đoàn TP.HCM) cho rằng: Việc Nhà nước thu tiền sử dụng đất theo giá thị trường dẫn đến chi phí đầu tư vào đất quá lớn, giá thành cao, không mang lại hiệu quả kinh tế.
Từ đó, ông Lập đề nghị nên thay khái niệm nghĩa vụ tài chính, tiền sử dụng đất thành thuế hạ tầng hay thuế bất động sản và đưa vào Luật Thuế với thuế suất nhất định.
“Tôi đề nghị Chính phủ không ban hành khung giá đất mà chỉ ban hành phương pháp, nguyên tắc xác định giá đất, thực hiện việc kiểm tra, theo dõi, ban hành bảng giá của các tỉnh, thành phố để điều tiết giá đất của các khu vực giáp ranh. Khung giá của Chính phủ thời gian qua đã hạn chế việc ban hành giá đất của các địa phương, nhất là ở nơi đô thị hóa nhanh như thành phố, đô thị. Do vậy, nếu áp dụng việc khống chế khung giá đất tối đa của Chính phủ thì bảng giá đất của nhiều địa phương sẽ không phù hợp” - ông Lập nói.
Sau khi lắng nghe, tiếp thu 16 ý kiến của các ĐBQH tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết: Có gần 7 triệu ý kiến đóng góp vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó nhiều vấn đề lớn có nhiều ý kiến khác nhau cần được nghiên cứu kỹ hơn để nâng cao hiệu quả của luật trong thực tiễn.
Long Nguyên