Nắm được tâm lý của không ít người muốn đổi đời bằng cách đi làm việc ở nước ngoài, Phạm Thị Xoàn liền rêu rao chị ta có thể giúp họ đi xuất khẩu lao động. Nhưng ngay sau khi cuỗm được hàng chục nghìn USD, Xoàn lại đổ vấy cho khách quan nên không thể đưa người xuất cảnh.
Ngày 28.6, Phạm Thị Xoàn (tên gọi khác là Phạm Biên Thùy, SN 1983, trú ở phường Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) bị triệu tập đến tòa, theo tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 139-BLHS. Nữ bị cáo này không bị áp dụng biện pháp dẫn giải, song đó chưa phải là điều bất ngờ nhất đối với hàng chục bị hại dưới tay Xoàn. Đáng chú ý hơn là chị ta đến hầu tòa với cái bụng chửa “vượt mặt”.
Phạm Thị Xoàn (tức Thùy) khệ nệ tại phiên tòa |
Tài liệu truy tố bị cáo thể hiện, trung tuần tháng 6.2011, thông qua người quen, Phạm Thị Xoàn liên hệ với ông Nguyễn Đức Quý, ở huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Biết ông Quý vẫn hay giới thiệu cho một số người dân ở địa phương đi xuất khẩu lao động, Xoàn không ngần ngại ba hoa là chị ta có thể đưa được người sang Tây Ban Nha làm tại nông trang, nông trại với chi phí 8.500USD, thời gian làm việc trong 3 năm. Xoàn còn cam kết, người lao động sẽ nhận được tiền công hàng tháng dao động từ 800 đến 1.200 euro.
Để lấy lòng ông Quý, Xoàn giới thiệu chị ta tên là Phạm Biên Thùy, nhân viên của Công ty Simco Sông Đà, trụ sở tại tòa nhà SIMCO Sông Đà, ở phường Vạn Phúc, quận Hà Đông. Tiếp tục củng cố niềm tin với đối tác, Xoàn nhắn nhủ với người đàn ông ở tận Quảng Bình rằng: “Nếu ai có nhu cầu thì trực tiếp đến trường Trung cấp nghề của Hội Cựu chiến binh Việt Nam để được tư vấn và làm thủ tục xuất khẩu lao động sang Tây Ban Nha”. Để chắc chắn hơn, Xoàn còn gửi cho ông Qúy cả bản thông báo tuyển dụng xuất khẩu lao động của Công ty Simco Sông Đà.
Nghe theo những lời mời chào của Xoàn, tháng 9.2011, ông Quý đã đưa 5 người từ Quảng Bình ra tận trường Trung cấp nghề của Hội Cựu chiến binh Việt Nam ở xã Vân Canh, huyện Hoài Đức để được tư vấn và đăng ký ra nước ngoài làm việc.
Và rồi ngay vào thời điểm ấy, Xoàn đã lần lượt thu của các anh Lê Công Lâm (SN 1989), Nguyễn Văn Tú (SN 1984), Hoàng Văn Sen (SN 1974), Hoàng Xuân Thanh (SN 1980) và chị Nguyễn Thị Dinh (SN 1965), đều trú ở huyện Bố Trạch, Quảng Bình tổng số tiền 21.000USD và 184 triệu đồng. Tuy nhiên, sau nhiều lần hứa hẹn Xoàn vẫn không thể đưa được những người này sang Tây Ban Nha làm việc như cam kết. Tại thời điểm thu tiền “đặt cọc” của các bị hại, Xoàn còn giao cho họ các phiếu thu có đóng dấu của Trung tâm Xuất khẩu lao động, thuộc Tập đoàn Sông Đà.
Tại phiên tòa, Phạm Thị Xoàn khai nhận, toàn bộ phiếu thu tiền giao cho 5 bị hại ở Quảng Bình được chị ta mua ở “chợ trời”, rồi nhờ đối tượng tên Nguyễn Văn Thuận (trú ở Cẩm Giàng, Hải Dương), khi ấy đang làm việc tại Công ty CP Nhân lực quốc tế và thương mại Sông Hồng đóng dấu vào. Đối với số tiền thu của người lao động, bị cáo quả quyết chỉ giữ lại 2.000USD, còn lại giao hết cho Thuận để lo thủ tục xuất ngoại như đã nói với ông Quý ban đầu.
Thế nhưng khi Xoàn giao tiền của người lao động cho bên thứ ba, chị ta và Thuận không lập giấy tờ giao nhận với nhau. Trước đó lần theo lời khai của bị cáo, CQĐT đã xác minh cả ở nơi cư trú lẫn Công ty CP Nhân lực quốc tế và thương mại Sông Hồng đều không có người nào phù hợp với những lời khai của Xoàn. Song khi được lực lượng công an cho nhận diện qua ảnh đối với Nguyễn Đức Thuận (trú ở thị trấn Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội, bị CAQ Hoàng Mai khởi tố về hành vi lừa đảo) thì Xoàn đã nhận ra ngay “đối tác”. Chỉ có điều, hiện nay đối tượng này đang bỏ trốn và đã bị áp dụng biện pháp truy nã.
Ngoài các bị hại nêu trên, cáo trạng cáo buộc Phạm Thị Xoàn còn thể hiện, từ tháng 2.2011 đến 4.2012, người đàn bà này còn chiếm đoạt của 8 bị hại khác tổng số tiền lên đến 75.800USD và 184 triệu đồng. Thủ đoạn của Xoàn là gạ gẫm, mồi chài những người dân sống ở các vùng nông thôn nộp tiền và làm thủ tục để được đi lao động tại Hàn Quốc, Đài Loan, Tây Ban Nha và Quốc đảo Síp. Tuy nhiên sau khi nhận tiền, Xoàn đã không đưa được họ ra nước ngoài làm việc như cam kết, nhưng cũng không chịu trả lại tài sản cho khổ chủ.
Quá trình bị điều tra, chồng con và gia đình Xoàn mới giúp bị cáo khắc phục được một phần hậu quả. Hiện, chị ta vẫn còn chiếm đoạt 46.000USD của hàng chục bị hại. Trước khi quyết định hình phạt, tòa cho rằng hành vi gian dối của Xoàn là rất rõ, bởi lẽ bị cáo không có chức năng tuyển dụng để đưa người đi xuất khẩu lao động, nhưng vẫn cố tình thực hiện bằng cách giả mạo giấy tờ và ngụy tạo “thân phận” hòng lấy được lòng tin của mọi người. Và với hậu quả gây ra, TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Phạm Thị Xoàn 13 năm tù giam, theo đúng tội danh bị truy tố.