Nhiều trang trại ở Sóc Trăng không còn đủ tiền mua thức ăn cho heo. |
Giá heo trượt dốc
Hiện nay, tại Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Dương giá heo hơi đã nhích lên được khoảng 30.000-31.000 đồng/kg nhưng Sóc Trăng giá vẫn 25.000-26.000 đồng/kg. Gia đình ông Lê Văn Thắng, huyện Châu Thành nuôi heo khép kín, tự cung cấp giống heo, thức ăn nhưng bán heo với giá như hiện nay thì lỗ 200.000 -300.000 đồng/con. "Tui nuôi ít và tự cung tự cấp rồi mà còn lỗ thì những trại lớn hơn có nước phá sản!" - ông Thắng buồn bã.
Ba tháng qua, nhiều trại heo ở huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) không bán được con nào vì không ai mua, trong khi giá thức ăn đã tăng lên 9 lần. Anh Trương Văn Hải, chủ trại nuôi heo ở Mỹ Xuyên cho hay, từ 6-2009 đến trước lúc dịch bùng phát, giá heo từ 31.000 - 32.000 đồng/kg, bán cũng chỉ có huề vốn hoặc lỗ.
Anh Hải tính: Heo con mới sinh đến khi cai sữa, heo nuôi đến 100kg ăn khoảng 270kg thức ăn, tương đương 2,6 triệu đồng, heo nái mang thai từ 14 ngày phải tốn thêm 40.000 đồng/kg thức ăn, chưa kể tiền điện, nước. Tổng chi phí khoảng 3-3,1 triệu đồng/đầu heo, trong khi heo xuất chuồng bán được 2,5 triệu đồng, lỗ 500.000 đồng/con.
Khi dịch bùng phát, tình trạng này còn thê thảm hơn. Trại nhà anh mất đến 70/170 con heo nái thịt. Với số tiền hỗ trợ 25.000 đồng/kg, trại còn lỗ 600.000 đồng/con. Trại đã nợ đại lý thức ăn gần 150 triệu đồng. "Bây giờ đến đường cùng rồi, đành giá nào cũng bán để trả nợ đúng hạn thì họ mới cho mình mua nợ tiếp. Mệt mỏi, đau ốm vì con heo nhưng không cách nào bỏ được" - anh Hải xót xa nói.
Nông dân tự bơi
Ông Trương Văn Đúng - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Sóc Trăng cho biết, do tỉnh công bố dịch trễ, vào ngày 10-7, trong khi dịch đã bùng phát ở một số nơi từ cuối tháng 5, nên một số nông dân phải tự tiêu hủy heo mà không nhận được hỗ trợ.
HTX chăn nuôi Mỹ Xuyên (huyện Mỹ Xuyên) có trên 2.000 con heo, dịch làm chết 30% heo cai sữa, heo hư thai và 3% heo nái nên bị lỗ nặng.
Chủ nhiệm HTX cho hay, mỗi tháng HTX cần đến 50 tấn thức ăn, tương đương 400 triệu đồng. Đại lý cho nợ 800 triệu đồng nhưng thực nợ đã lên đến 2 tỷ đồng.
Hơn nữa, 3 tháng nay không bán được heo nên đại lý không cung cấp thức ăn nữa vì họ chỉ cho nợ trong vòng 1 tháng. Bây giờ heo có cám, rau muống ăn là may lắm rồi, nói chi đến độ đạm, dinh dưỡng... "Thời gian này, HTX cũng vay nóng với lãi cao nhưng đành chấp nhận để cứu con heo cũng như tự cứu lấy mình" - ông chủ nhiệm nói.
Tuy gần đây nhu cầu thịt heo giảm mạnh do dân sợ dịch tai xanh, nhưng thịt heo vẫn là thực phẩm phổ biến nhất trên thị trường. Không lâu nữa là đến mùa lễ hội cuối năm, với thực trạng các trại heo ngắc ngoải như hiện nay, chỉ e rằng chưa kịp vực dậy ngành chăn nuôi trong nước thì lại phải bỏ tiền nhập thịt ngoại để cung ứng cho nhu cầu của dân.
Hải Hân