Trình diễn máy gặt đập liên hợp ở Trường Khánh (Sóc Trăng). |
Tại đây có đủ kiểu máy nội địa, máy ngoại, máy ngoại "chế". Nhiều nông dân vẫn thích nhất máy nội của các doanh nghiệp tư nhân Kim Hồng (TP.HCM), Vạn Phúc (Đồng Tháp), Nhựt Thành (Long An) vì cho rơm phun đều trên rãnh. Nông dân Trương Văn Nghệ, huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng cho hay, đa phần các máy đều cho rơm rạ vương vãi trên ruộng, trong khi bà con gặt lúa xong còn thu gom rơm bán để ủ nấm mèo nên lại phải tốn tiền mướn người gom rơm tới 30.000 đồng/buổi mà cũng không có người làm.
"Nếu máy có thêm phần sàng lấy lúa lừng nữa thì không gì sướng bằng" - ông Nghệ chắt lưỡi. Ông Nghệ tính toán, một mẫu ruộng (10.000m2) sau khi thu hoạch lúa chắt thì cho tới 100kg lúa lừng nhưng phần này đều theo rơm ra ngoài, khiến nông dân mất khoảng 500.000 đồng. Chẳng những vậy, lúa lừng còn có thể làm thức ăn cho vịt, giúp nông dân bớt đi một ít chi phí.
Nông dân Lê Hoàng Hổ ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang nói: "Máy Trung Quốc chạy nhanh, gọn hơn nhưng lại mau hư hỏng, lúa theo rơm ra ngoài còn khá nhiều. Máy nội địa to, chạy chậm vậy mà có chất lượng hơn. Năm nay, tui ưng bụng máy nội địa lắm".
Ông Hổ khoái nhất máy của doanh nghiệp Hoàng Thắng (giải nhất), tỷ lệ hao hụt khoảng 3%, năng suất 0,3-0,5ha/giờ, thiết bị làm sạch lúa 2 lần, phụ tùng thay thế đầy đủ. Hơn nữa, khi cắt đến độ lún hơn 20 cm thì máy báo hiệu và tự động dừng lại.
Nông dân Dương Thành, huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng thì nói máy Trung Quốc cho lúa sạch, chỉ tiêu hao khoảng 11-17 lít dầu/ha (tùy lúa đứng hay nằm) mà giá cả cũng ngang ngửa với máy trong nước. Nhưng về độ bền thì chưa chắc bằng máy nội địa. "Dân bây giờ ít sính ngoại lắm, bởi máy ngoại mua về xài cũng phải sửa tới sửa lui đến 5-7 lần, nhiều khi đang cắt lại hư, bực lắm"- ông Thành nói.
Nhưng dù người dân có chuộng và muốn mua máy nội địa thì năng lực sản xuất của các cơ sở cũng không đáp ứng đủ! Chủ cơ sở cơ khí Dũng, số 5 (Châu Thành, An Giang) cho biết, thực lực cơ sở chỉ sản xuất được 15 máy/năm, còn nếu nhập của Trung Quốc về cải tiến có thể bán được 150 máy/năm.
Hiện nay, các cơ sở nội địa đều thiếu vốn và lao động kỹ thuật để chế tạo máy nông nghiệp. Chính sách hỗ trợ khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch chỉ dành cho người mua máy mà chưa có hỗ trợ nào cho người sản xuất máy. Trong khi ĐBSCL mới có khoảng 5.000 máy gặt đập liên hợp, so với nhu cầu thì còn thiếu cả chục ngàn máy nữa.
Hải Hân