Những người ngồi chung bàn gồm: Đạo diễn Trần Mỹ Hà, Phan Tô Hoài, Trần Hòa Bình, Trương Minh Phúc, Thao Giang… như chết lặng. Cuộc vui bỗng chốc chùng xuống. Vài người nhắc nhớ về Trần Kiên theo ký ức và trí nhớ của họ - điều ít bao giờ xảy ra nếu không có biến cố này.
NSƯT Trần Kiên (phải) trong ngày nhận bằng Thạc sĩ. |
Tôi nhớ lần đầu gặp đạo diễn Trần Kiên là trong buổi họp truyền thống khoa Ngữ Văn năm 1992, tại giảng đường C Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM. Anh ôm cây đàn guitar đệm cho ca sĩ Ánh Tuyết hát. Lần đó anh không ngồi trên sân khấu mà bắc ghế ngồi ngay giữa lối đi để gần gũi mọi người hơn. Cái cảm giác xôn xao từ một đám đông với người đàn ông ôm đàn đã đi theo tôi suốt 18 năm nay. Và kể từ lần đó, cứ mỗi năm họp khoa ở trường tôi đều được nghe lại tiếng đàn guitar của anh, vẫn ngón đàn ấy, vóc dáng hiền lành ấy…
Năm 1995, tôi tốt nghiệp, thỉnh thoảng cũng quay về trường cũ dự họp khoa. Tôi nhớ tiếng đàn của Trần Kiên tiền bối như nhớ về một phần tuổi trẻ tươi đẹp mà tôi trải qua nơi đây. Điều đó đã như một ký ức dành sẵn cho bất cứ sinh viên Văn khoa nào. Cuộc sống đẩy đưa thế nào, một ngày tôi lại trở thành đồng nghiệp của anh ở đài truyền hình.
Lúc đó, tôi nhìn anh như nhìn các tiền bối trong giới văn chương, cao lồng lộng. Trần Kiên là đạo diễn hình còn tôi làm biên tập, ở một số chương trình anh bấm máy, tôi học được tính làm việc chuyên nghiệp, thái độ nhẹ nhàng và đặc biệt là gương mặt biết cười, nụ cười xóa tan những mệt nhọc và căng thẳng. Cách anh đối đãi với đồng nghiệp và cộng tác viên luôn hòa nhã và tôn trọng. Ngay cả khi anh làm Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất chương trình và Trưởng phòng đạo diễn quay phim, thái độ cư xử ấy vẫn không bị thay đổi.
Trần Kiên có dáng người thấp, đậm. Mỗi khi gặp đồng nghiệp anh thường nán lại đôi chút để bắt tay, hỏi thăm và đôi khi đưa ra ý tưởng làm chương trình mới. Tôi nhớ có lần đạo diễn Đinh Thanh Sơn gợi ý làm chương trình về Hà Nội ngàn năm, anh bảo phải "kéo" đạo diễn Trần Kiên đi bằng được, vì anh ấy sẽ là một "trợ thủ đắc lực" về văn hóa và cho nhiều góc nhìn chân xác về Hà Nội. Chúng tôi chưa kịp làm thì anh đã đi xa rồi...
Chương trình làm phim "Ngục trung nhật ký" ở Cao Bằng đâu nhất thiết anh phải có mặt. Nhưng anh cứ nằng nặc đòi đi mặc kệ lời can ngăn của anh Trung là cấp trên. Sự can ngăn ấy không biết có ẩn chứa thông điệp tâm linh nào không nhưng cơn mưa tai ác tại Thái Nguyên đã như một dự báo bất ổn cho một cuộc ra đi không trở về.
Ngồi ở bàn ăn, nhà quay phim kỳ cựu Trương Minh Phúc (Phúc Địa) huyên náo hơn mọi khi. Và lúc nghe tin ngoài Bắc báo vô, “Trần Kiên mất rồi”, anh thẫn người ra và nói, nãy giờ tôi có cảm giác sắp xa một người bạn mà không biết là ai… Anh Kiên ra đi mà không nói được lời nào với bạn bè, vợ con… Hai đứa con đang ở bên kia nửa vòng trái đất khi trở về liệu có vượt qua được cảm giác mất mát đột ngột này…
Trần Kiên - một trong những tài hoa đã gắn bó lâu năm với hoạt động nghệ thuật và sự nghiệp truyền hình, giờ đã gia nhập vào một thế giới khác. Chỉ riêng tin anh qua đời được lan truyền nhanh chóng trong giới và những người yêu mến anh đã đủ thấy sức lan tỏa mạnh mẽ của một cái tên, một con người. Tôi viết những dòng này để như một nén tâm hương cầu mong anh an nghỉ nơi cửu tuyền. Ở đó, chắc cũng sẽ bình yên lắm như nụ cười anh mỗi ngày chúng tôi vẫn thường bắt gặp.
Bùi Thanh Tuấn