Bác Hoàng Thị Hành thu hoạch rau trong trang trại. |
Ở "thủ phủ" của các mỏ quặng apatit này, bà Phùng Thị Dung là người đầu tiên dám nghĩ và táo bạo làm hồi sinh lại những vùng đất tưởng chừng đã chết. Một mình bà gây dựng cơ ngơi ở mảnh đất Bắc Cường, TP.Lào Cai.
Trang trại VietGap
Từ TP. Lào Cai, vượt chừng 30 cây số đường rừng, qua liên tiếp những khúc cua tay áo, dưới cơn mưa rừng thoắt đến, thoắt đi, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy màu xanh hiếm hoi của những ruộng rau muống, đậu, xà lách và những ao cá cheo leo trên núi. Đó là trang trại của bà Dung. Khi chúng tôi đến cũng là lúc bà vừa đi ký kết hợp đồng cung cấp rau sạch cho một trường bán trú ở dưới TP. Lào Cai trở về.
Bà Dung cho hay tổng diện tích của trang trại là 3,6ha, chủ yếu chăn nuôi lợn gà, trồng hoa, rau và nuôi cá. Tất cả các loại rau ở trang trại đều được trồng và chăm sóc theo quy trình sạch, đảm bảo tiêu chuẩn VietGap. Hiện tại, mỗi vụ, bà thu hoạch khoảng 10 tấn rau. Thời gian quay vòng nhanh, vì chủ yếu là các loại rau ngắn ngày.
Ông Lưu Hồng Thanh - Phụ trách vấn đề an toàn môi trường Công ty Apatit Lào Cai
Toàn bộ lượng rau thu hoạch đều cung cấp cho các trường nội trú hoặc bán trú đóng trên địa bàn TP. Lào Cai. Trong trang trại còn có một khu chuồng có thể nuôi trên 200 con lợn/lứa. "Mặc dù người nuôi lợn cả nước lao đao vì dịch tai xanh nhưng chúng tôi vẫn trụ vững.
Thậm chí, chúng tôi không bán trực tiếp lợn hơi mà tự giết mổ rồi bán cho các trường học, bệnh viện"- anh Tạ Minh Hà - quản lý chung trang trại, phấn khởi nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trang trại của bà Dung là một trong những trang trại tiên phong trong việc cải tạo đất, môi trường và làm giàu trên những mỏ apatit sau khai thác. Hiện nay, UBND tỉnh Lào Cai cũng đang quan tâm, khuyến khích việc đầu tư, làm kinh tế vườn, trang trại trên những mỏ quặng sau khi đã hoàn nguyên.
Hồi sinh đất chết
Trăn trở vì thấy cảnh, hàng vạn ha đất mỏ sau khai thác biến thành đất chết, năm 2006, bà Dung quyết định bỏ hơn 4 tỷ đồng để san lấp mặt bằng, phủ đất màu và làm kinh tế trang trại. Đến năm 2008, trang trại chính thức đi vào hoạt động. "Ở những vùng đất đã khai quặng và được hoàn nguyên, bà con chủ yếu trồng chuối để cải thiện đất.
Một góc vườn rau theo tiêu chuẩn VietGAP. |
Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế thấp và đặc biệt khó cải thiện môi trường. Việc xây dựng trang trại với mô hình khép kín VAC sẽ giải quyết tốt hơn cả 2 vấn đề trên"- bà Dung cho biết. Đến nay, sau 3 năm hoạt động, trừ chi phí nhân công, đầu tư máy móc… mỗi năm trang trại cho bà Dung thu lãi vài trăm triệu đồng.
Không chỉ hồi sinh đất, ở trang trại này hiện còn thu hút 13 công nhân, phần lớn là nữ với thu nhập bình quân hàng tháng 1,5 triệu đồng/người. Với những nữ công nhân ở đây thì trang trại là ngôi nhà chung, là bến đỗ của cuộc đời của họ sau những tháng ngày lam lũ vất vả tha hương Nam Bắc.
Bác Hoàng Thị Hành, 55 tuổi, quê ở xã Minh Hương, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) cho biết, ở trang trại này anh chị em sống chan hoà, vui vẻ. Cơm nước bà chủ lo, thu nhập hàng tháng gửi về gia đình lo cho các cháu ăn học. Lên đất mỏ nhưng lại khoác áo… nông dân kể cũng lạ nhưng vui và hạnh phúc.
Hữu Thông