Vườn keo giống của một cơ sở được cấp phép |
Hàng năm, Bình Định trồng mới khoảng 5.000ha rừng từ nhiều dự án và hàng ngàn ha rừng sản xuất khác được trồng phân tán trong dân. Từ năm 2002 đến nay, Bình Định đã trồng được 100.000ha rừng sản xuất. Trước mắt, tỉnh này vẫn còn 30.000ha đất trống có khả năng trồng rừng và trong những năm tới, nhiều diện tích trong số này sẽ được lấp đầy bằng những cánh rừng nguyên liệu giấy.
Một vốn bốn lời
Phong trào trồng rừng càng mạnh, nhu cầu về cây giống càng cao. Ngoài 40 đơn vị, cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp từ T.Ư đến địa phương được Sở NN&PTNT tỉnh cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện, ở tỉnh này vẫn đang tồn tại nhiều cơ sở giống cây lâm nghiệp "ngoài luồng", hàng năm tung ra thị trường hàng triệu cây giống kém chất lượng.
Một trong những địa bàn "nở rộ" nghề làm cây giống "chui" ở tỉnh này là huyện miền núi Vân Canh. Có đến vài chục gia đình đang mưu sinh bằng "nghề" này. Các cơ sở cây giống ngoài luồng không tuân thủ theo các quy định của ngành lâm nghiệp.
Ông Nguyễn Thế Dũng - Chi cục trưởng - Chi cục Phát triển lâm nghiệp Bình Định
Họ không tốn kinh phí xây dựng vườn cây đầu dòng, đến vụ, họ thuê người vào rừng keo bẻ ngọn, mang về giâm, chỉ tốn công tưới và đảo rò, nên dù có bán rẻ vẫn lời to.
Một chủ vườn ươm cây lâm nghiệp ở đây tiết lộ: Mỗi cơ sở "chui" ở Vân Canh một mùa xuất bán khoảng 1 triệu cây giống, giá thấp hơn cơ sở "trong luồng" 100 đồng/cây (chỉ có 300 đồng/cây) nhưng vẫn lãi... 200 triệu đồng, đúng là "1 vốn 4 lời".
Do "ngon ăn" nên bất chấp sự ngăn cấm của ngành chức năng, nhiều hộ dân đua nhau vào rừng bẻ cây làm... giống. Không chỉ có vậy, cây giống kém chất lượng vẫn có "ngõ" để bước vào thị trường chính thống bằng cách mượn danh những cơ sở "trong luồng".
Cây giống cấy mô bảo đảm chất lượng |
Không thể kiểm soát
Nhìn bằng mắt, cây giống chính thống và cây giống kém chất lượng không khác nhau nên khi đi mua, người trồng rừng không thể phân biệt. Giá cây giống kém chất lượng lại rẻ hơn nên để giảm chi phí đầu tư ban đầu, nhiều hộ trồng rừng cứ vô tư mua về trồng.
Và hậu quả họ là gánh chịu. Người trồng rừng mua phải loại giống này thì đầu tư phân bón đến mấy cây cũng đứng đơ, mất nhiều chi phí đầu tư nhưng phải đến 9-10 năm sau mới cho thu hoạch. Trong khi đó những cánh rừng trồng cùng thời điểm bằng giống chuẩn thì chỉ sau 6-7 năm là đã có thu hoạch.
Điều đáng lo là tình trạng này vượt quá khả năng kiểm soát của huyện. Ông Trần Văn Khổ - Phó phòng NN&PTNT huyện Vân Canh, thừa nhận: "Không thể kiểm soát hết những hoạt động của các cơ sở giống cây lâm nghiệp "chui" trên địa bàn. Để bảo vệ người trồng rừng, chúng tôi chỉ biết nỗ lực tuyên truyền, khuyến cáo bà con không nên mua cây giống không có nguồn gốc rõ ràng để tránh tình trạng "tiền mất tật mang".
Thậm chí đến cơ quan chức năng của tỉnh cũng "bó tay" trước thực trạng này. Ông Nguyễn Thế Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển lâm nghiệp Bình Định, thành thật: “Đối với những cơ sở có đăng ký hoạt động với ngành chức năng, nếu phát hiện sai phạm, chúng tôi có thể đề nghị Sở NN&PTNT rút giấy phép. Tuy nhiên, với những cơ sở làm "chui", khi phát hiện sai phạm, ngay cả phạt hành chính, chúng tôi cũng không có chức năng”.
Võ Gia Bảo