Trẻ em bản Già Hóp luôn phải đối diện với nguy cơ bỏ học giữa chừng. |
"Đứt gánh" giữa đường
Trao đổi với chúng tôi, anh Lương Văn Lưu - Trưởng bản Già Hóp (xã Tường Sơn) cho biết: Hiện tại cả bản có 54 em theo học từ tiểu học đến THPT, trong đó chỉ có 1 em học THPT, 15 em học THCS. Điều đáng nói là trong số học sinh của bản theo học THCS không có em nào học ở Trường THCS Tường Sơn.
Lý do cơ bản là trường THCS nằm ở trung tâm xã mà bản lại cách trung tâm xã quá xa, đường rừng gập ghềnh trắc trở, trường lại không có khu nội trú nên không ai có ý định cho con đến học. Hiện, người dân hai bản Ồ Ồ và Già Hóp thường đưa con đến các xã Hội Sơn và Cẩm Sơn, cách 7- 10 km, gửi nhờ nhà họ hàng để học "ké". Nếu gia đình nào không có họ hàng ở đó thì con cái đành nghỉ học.
Trưởng bản Lương Văn Lưu dẫn chúng tôi sang thăm gia đình anh Hà Văn Chiến. Anh Chiến có 4 con thì 2 con đầu đã bỏ học, chỉ còn 1 bé tên là Ngọc hiện đang học lớp 6 tại xã Hội Sơn và 1 bé đang học mẫu giáo.
Ông Lương Văn Thuỷ - Bí thư chi bộ bản
Anh Chiến cho biết, trường cháu Ngọc cách nhà khoảng 9km, không có họ hàng để có thể xin ở trọ nên hàng ngày 4 giờ sáng cháu đã phải dậy soi đèn pin, đi xe đạp tới trường. Nếu năm nay mùa đông quá lạnh, có thể gia đình sẽ để cháu nghỉ học, vì đường xa, nên không thể đảm bảo sức khoẻ.
Và những hệ lụy...
Cũng vì trường học quá xa, đã có 20 em dưới 16 tuổi ở 2 bản này bỏ học giữa chừng. Ông Lương Văn Thuỷ - Bí thư chi bộ bản Ồ Ồ cho biết: "Tương lai tới đây, nhiều cháu nữa sẽ bỏ học vì không còn đủ sức tới trường. Thế hệ trẻ mà như vậy thì không thể tiếp cận khoa học kỹ thuật, vì thế không biết bao giờ mới thoát khỏi cuộc sống đói nghèo.
Chưa hết, thực trạng nói trên còn dẫn đến việc thiếu nguồn cán bộ trẻ nghiêm trọng. Hiện tại, con trai đầu của tôi đang làm Trưởng bản Già Hóp, con thứ làm Bí thư chi đoàn. Không phải chúng tôi "cục bộ" hay "gia đình trị" mà thực tế lớp trẻ có trình độ là rất hiếm".
Trước thực tế vừa nêu, thiết nghĩ các cấp uỷ, chính quyền và ngành Giáo dục Nghệ An cần kịp thời có những chủ trương, chính sách giúp đỡ và tạo điều kiện cho con em hai bản Ồ Ồ và Già Hóp được tiếp tục đến trường.
Được biết, chất lượng ngành giáo dục huyện Anh Sơn luôn đứng vào tốp 5 của tỉnh Nghệ An, dẫn đầu các huyện miền núi, là nơi thực hiện tốt công tác xã hội hoá giáo dục, cũng là địa phương có số lượng giáo viên dôi dư lớn nhưng vẫn có những "vùng trũng" về chất lượng. Phải chăng đây là một nghịch lý?
Công Kiên