Ngày 21.9, tại Hà Nội, Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia 33 (trực thuộc Bộ TNMT) đã họp báo thông báo về cuộc họp thường niên lần thứ 7 của Uỷ ban Cố vấn Hỗn hợp Mỹ-Việt (JAC). JAC là đơn vị cung cấp tư vấn khoa học cho Chính phủ Mỹ và Việt Nam về việc tẩy độc ô nhiễm dioxin và nghiên cứu về các vấn đề sức khoẻ liên quan tới dioxin.
TS Orme-Zavaleta - Giám đốc phòng Nghiên cứu Phơi nhiễm quốc gia của cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ cho biết, một trong những hoạt động trọng tâm của hợp tác xử lý chất độc da cam/dioxin Việt –Mỹ là khử độc tại sân bay Đà Nẵng sẽ được bắt đầu vào thời điểm đầu năm 2013.
Dự kiến, đến cuối năm 2016, dự án sẽ trả lại môi trường an toàn cho 73.000m3 đất tại khu vực sân bay. Đại diện của Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Mỹ cũng cho biết, trong chương trình mới về y tế cộng đồng được thực hiện trong 3 năm với chi phí 9 triệu USD, Mỹ sẽ cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho người khuyết tật nói chung về điều trị bệnh, kỹ năng và đào tạo nghề.
Cũng tại buổi họp báo, TS Lê Kế Sơn - Tổng Giám đốc Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia 33 thông báo, những thông tin về danh sách những người dân Đà Nẵng vừa được phát hiện có nồng độ dioxin cao được lựa chọn điều trị tại Bệnh viện 103 là không chính xác. Theo ông Sơn, đó là sự nhầm lẫn của Hội Nạn nhân chất độc da cam dioxin Đà Nẵng.
Ông Sơn cho biết, danh sách nói trên là của những người sống ở vùng “nóng” gần sân bay Đà Nẵng, có nguy cơ phơi nhiễm cao chứ không phải là những người có nồng độ chất độc dioxin cao. Hiện Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia 33 đã yêu cầu Hội Nạn nhân Chất độc Da cam/dioxin Đà Nẵng làm rõ vấn đề này. Những người này được điều trị tại Bệnh viện 103 trong vòng 1 tháng bằng 3 phương pháp khác nhau, trong đó có Hubbard – phương pháp điều trị dựa trên nguyên lý giải độc không đặc hiệu thông qua đường tiết mồ hôi, tiêu hóa, tiết niệu…
Đ.T