Dân Việt

"Cắn răng" chạy chữa để... sinh con trai

01/10/2010 16:11 GMT+7
(Dân Việt) - Không con cái đã là nỗi tủi thân của nhiều phụ nữ nông thôn, nhưng có nhiều trường hợp vô sinh thứ phát, chị em vẫn phải cắn răng đi chữa để tiếp tục sinh con - mà phải là con trai - vì cả họ mong chờ.

Có con vẫn phải cố chữa

Tại hẻm A1, Cống Quỳnh, các phòng nghỉ tại lầu 1 Viện Quân y 264, quận I TP.HCM nơi các gia đình hiếm muộn ở tạm để nuôi hy vọng tìm được một đứa con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm- mọi người đều coi chị Nguyễn Thị Hồng Hương (quê Quảng Ngãi) là người may mắn vì đã có một cô con gái 4 tuổi. Nhưng, có ở hoàn cảnh của chị mới biết sức ép chị đang gánh chịu khủng khiếp thế nào.

img
Nhiều phụ nữ nông thôn tới chữa trị tại Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM.

Chị Hương (34 tuổi), mang bầu lần thứ hai, trong một lần đi khám thai phát hiện thai nằm ngoài tử cung do chị bị tắc ống dẫn trứng. Phẫu thuật cắt bỏ túi thai, buồng trứng bên phải chẳng may nhiễm trùng nên cũng bị cắt bỏ. Chị điều trị từ Đông sang Tây y nhưng không kết quả.

Bố mẹ chồng mất sớm trong một vụ tai nạn, chồng chị lại là con trưởng, sức ép trong dòng họ buộc vợ chồng chị phải kiếm cho được một đứa con trai. Chồng là tài xế xe tải Nam-Bắc, chị làm thợ may. Mãi đến năm 2004, hai vợ chồng mới tích góp được gần 60 triệu đồng lặn lội vào TP.HCM kiếm một đứa con trai. Lần đầu phôi thai không phát triển. Sau hai tháng hy vọng rồi thất vọng, vợ chồng chị đành quay về.

Về quê, cả họ ra "nghị quyết" bắt anh chị phải tiếp tục đi chữa. Họ còn cử ra một bà thím đi chăm sóc chị trong những ngày chị ở TP. HCM. Bà Tám- thím chị hào hứng:

"Của cải, giàu có để làm gì khi không có con, có cháu. Cả dòng họ đang trông chờ vào nó. Thằng chồng vào đây được gần một tháng, con Hương vào phôi thì nó quay về chạy xe rồi". Lần thứ nhất vào TP.HCM là tiền dành dụm của hai vợ chồng, lần này họ hàng mỗi người góp một ít phụ giúp mong anh trưởng nam có được thằng con trai để dòng họ có người thờ tự!

Không có con sẽ ra đi...

img Hiếm muộn là một dạng bệnh nhưng ở VN sức ép tâm lý từ các gia đình quá lớn khiến người có bệnh- nhất là phụ nữ rất mặc cảm và chịu nhiều thiệt thòi. Tôi cho rằng, phải tuyên truyền để thay đổi nhận thức, cần có cái nhìn thông cảm, chia sẻ với người phụ nữ. Nếu các cặp vợ chồng muốn có con, có thể xin con nuôi, thậm chí cả con thừa tự. Từ xưa, các cụ ta đã làm việc này. img

Cùng phòng với chị Hương là chị Trần Song Ngân, 35 tuổi, ở Hà Tĩnh. Chị Ngân là một trong những người gắn bó khá lâu với Viện Quân y 264 này khi đã 6 lần vừa làm mới hoàn toàn, vừa cấy phôi trữ. Lúc nào chị cũng buồn rười rượi, hay khóc mỗi khi nói về chuyện chồng con.

Chị là cô giáo, anh là kỹ sư xây dựng. Yêu nhau từ thời sinh viên, không một lần "vượt rào", bạn bè ngưỡng mộ một cặp đẹp đôi. Sống với nhau 3 năm không có con, dẫn nhau đi khám mới phát hiện chị vô sinh.

Trong khi bố mẹ anh lại đang từng ngày mong cháu, chị bàn với anh nên ly hôn để anh có gia đình mới nhưng anh không chấp nhận.

Vợ chồng chạy chữa hết phương, thuốc Nam, thuốc Bắc đều thử. Hai lần thụ tinh trong ống nghiệm ngoài Hà Nội nhưng không kết quả, anh chị khăn gói vào Nam. Cũng đã hai lần tìm kiếm cơ hội ở Bệnh viện Từ Dũ nhưng may mắn vẫn chưa mỉm cười.

Nghe người quen chỉ dẫn, anh chị tìm đến phòng khám tư của một bác sĩ để hy vọng có được một đứa con. Năm lần thất bại nhưng anh vẫn kiên nhẫn thuyết phục chị hy vọng. Vừa gạt nước mắt, chị vừa nói: "Lần này không có kết quả nữa, chị sẽ chấp nhận số phận không được làm mẹ của mình, chị sẽ xin ly hôn với anh dù anh có chấp nhận hay không, chỉ mong anh tìm được một người vợ tốt hơn chị".

Nói tới đây, mấy chị cùng phòng động viên chị: "Thôi về ráng dành dụm, vài năm sau đủ tiền lại vào Từ Dũ, ông trời không thể bất công hoài".