Dân Việt

Người dẫn nước về bản khát

28/11/2010 18:34 GMT+7
(Dân Việt) - Nhờ anh Lô Xuân Á, ?bà con dân tộc Thổ ở bản Đồng Nheo, xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An đã không còn phải chịu cảnh khát bên nguồn nước...
img
Từ khi Lô Xuân Á dẫn nước từ trên đỉnh núi xuống, người dân bản Đồng Nheo đã được dùng nguồn nước sạch dồi dào.

Vất vả đưa nước về bản

Dân bản Đồng Nheo trước kia có thói quen du canh du cư, phá rừng, trỉa ngô, trồng lúa. Làm được mấy mùa vụ, khi đất đai đã xấu đi, dân bản lại kéo nhau qua cánh rừng khác. Trong một lần trèo lên đỉnh núi, dân làng đã phát hiện một hang nước dồi dào. Bà con quyết định dừng lại, dựng nên bản Đồng Nheo hiện nay. Chỉ có điều, sườn núi cao chênh vênh không thể dựng nhà, bản mới đành phải lùi xuống tận thung lũng, cách hang nước gần một cây số.

Từ đó, để lấy được nước về tới bản dưới thung lũng, bà con phải bám theo dốc núi leo lên, cực nhọc để đưa từng gùi nước xuống. Đã có không ít người nghĩ ra cách dùng ống tre, ống nứa... dẫn nước, nhưng chỉ một thời gian ống dẫn mục nát, lại không tạo được đường dẫn từ hang nên dòng nước không xuống được... Vất vả khó khăn chỉ qua đi khi Lô Xuân Á, người thanh niên dân tộc Thổ, đã tìm được cách đưa dòng nước chảy xuôi về bản.

Là con thứ 3 trong gia đình có 6 anh chị em, tuy chỉ học hết cấp 1 vì phải nhường cho các em đi học cái chữ, nhưng, từ nhỏ Á đã tỏ ra thông minh hơn so với đám bạn cùng lứa. Chiều chiều, Á thường phải leo lên núi cao, men theo sườn dốc gùi nước về chuẩn bị cho từng bữa cơm. Và cũng nhiều lần Á bị trượt ngã, đánh đổ cả gùi nước. Vì vậy trong đầu Á nung nấu ý tưởng làm sao đưa được nước về tới từng nhà trong bản Đồng Nheo.

Hết cảnh cõng gùi...

Một lần xuống thị trấn Thái Hoà của huyện Nghĩa Đàn, Á thấy người thị trấn dùng những loại ống nhựa dẫn nước từ những bể chứa trên nóc nhà xuống để dùng. Vậy là Á đã tìm ra cách đưa nước về rồi. Trở về, anh liền bán hết đàn trâu, đàn dê của nhà để mua xi măng, đá, cát xây bể chứa trên sườn núi, rồi mua hàng trăm mét ống nhựa dẫn nước xuống núi.

Chưa biết cách xây bể lọc nước, Á lục cục đi mua sách về tìm hiểu, rồi xây một bể chứa hơn 10m3 ngay trên đỉnh đồi. Anh cũng cần mẫn nhặt nhạnh, vận chuyển từng gùi đá cuội thả xuống bể để lọc nước cho sạch, cho trong. Lúc đầu, một mình Á hì hục đào đất chôn đường ống dẫn nước, về sau thấy chồng ham việc, vợ Á đã cùng chồng gùi đất, đá, phát cây, đào mương cho xuống sát chân đồi.

Lúc đầu, người trong bản nhìn Á với ánh mắt dò hỏi, nay nhìn thấy vòi nước trong veo chảy về tận nhà anh, mọi người đã tìm đến Á để hỏi cách làm nước. Anh đã tận tình chỉ dẫn và tự tay làm đưa nước về cho các hộ xung quanh. Cả bản Đồng Nheo gần 70 nóc nhà thì đến nay anh đã giúp cho hàng chục hộ dân có nước sạch. Lô Xuân Á còn dự định xây thêm bể chứa, lắp thêm đường ống để nhà nhà đều có nước sạch, chấm dứt cảnh còng lưng gùi nước trước kia.

Bể lọc nước phèn cải tiến

Bức xúc với những khó khăn khan hiếm nguồn nước sạch sử dụng của người dân, ông Cổ Thế Hành - cán bộ Phòng kinh tế huyện Định Quán (Đồng Nai) đã mày mò, nghiên cứu và sáng chế bể lọc nước phèn khá thiết thực mà chỉ tốn khoảng 200.000 đồng.

Bể lọc nước được chia ra làm 2 ngăn, một ngăn chứa nước bị nhiễm phèn và ngăn kia chứa nước đã lọc. Tại ngăn chứa nước phèn, ông cho xây thêm một ô chứa cát giáp với vách của ngăn 2, trong đó, vách xây ô chứa cát không tô vữa xi măng, nhằm tận dụng triệt để nước thấm qua cát. Khi cho cát vào ô này, cát được rửa thật sạch và nén lại thật kỹ. Nước phèn vào ngăn 1 sẽ thấm qua ô cát này để chảy qua ngăn 2 qua 3 ống nhựa và phèn sẽ được ngăn giữ lại tại ô chứa cát. Qua thực tế ứng dụng cho thấy, với lưu lượng 720 lít/giờ trong bể chứa 2,5m3 nước, tốc độ lọc nước nhanh hơn từ 40-50 lần so với phương pháp lọc truyền thống. Sau thời gian khoảng 1 năm sử dụng, chỉ cần tiến hành rửa cát một lần để bể lọc hoạt động hiệu quả, chất lượng nước sạch hơn.

Giải pháp này đã đạt giải Ba của Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai và đang được sử dụng rộng rãi ở những vùng nước bị nhiễm phèn nặng trên địa bàn.