Chiều ngày 27.7, một người dân tộc Nùng ở thôn Khuôn Tỏ thuộc xã Tân Sơn (Lục Ngạn, Bắc Giang) bắt được 3 con mèo rừng còn non. Người này mang về nhốt vào chuồng với mục đích bán lấy tiền. Biết thông tin trên, Hương Trà và bố cô (ở thôn Phố Chợ, cùng xã Tân Sơn) vội vàng vượt 5 km đường rừng tìm đến nhà người dân nọ.
Hương Trà cùng bố vượt 5km đèo, suối mua lại 3 cá thể mèo rừng về cưu mang |
"Thuyết phục, năn nỉ họ thả 3 con mèo mãi mà không được, bố con em đành bỏ ra 900.000 đồng mang chúng về trước khi chúng bị đem bán cho các quán nhậu ngoài phố", Hương Trà cho biết.
Nơi Trà ở thuộc vùng rừng núi đặc biệt khó khăn của huyện Lục Ngạn, có nhiều động vật hoang dã thường bị người dân bắt như lợn rừng, mèo rừng, nhím, cầy hương... Từ khi còn nhỏ, cô gái này đã theo bố thả các loài động vật hoang dã mà gia đình cô cưu mang vào rừng sâu.
"Em còn nhớ có lần gia đình em đã cưu mang một đàn sóc, sau thả chúng vào rừng. Một lần khác nuôi một đàn mèo rừng đến khi chúng được 2,5 kg mới đem thả", Trà chia sẻ.
Đây là 3 cá thể mèo rừng mà bố con Trà bỏ tiền mua lại được từ những người thợ săn |
Hiện tại, 3 con mèo rừng còn nhỏ, gia đình Trà phải cho chúng uống sữa, ăn thịt nướng.
"Bây giờ mà thả vào rừng chúng lại sẽ bị người ta bắt mất. Gia đình em mong muốn các cơ quan chức năng mang chúng đến trung tâm bảo tồn hoặc Vườn quốc gia Cúc Phương. Còn nếu mà không được thì vẫn như lần trước, em sẽ nuôi lớn rồi mới mang vào rừng", Trà bày tỏ.
Trong ngày 28.7 đã có nhiều người tìm đến hỏi mua 3 con mèo rừng với giá cao nhưng gia đình nhất định không bán.
3 cá thể mèo rừng này thuộc nhóm động vật hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng |
Giáo sư Võ Quý -Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường cho biết: "Đây là loài mèo rừng có tên khoa học là Prionailurus bengalensis. Ở nước ta loài này thuộc vào loài động vật hiếm, xếp vào nhóm IB là nhóm động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao, cấm săn bắn và sử dụng vì mục đích thương mại".
Sách đỏ của IUCN (Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế) cho thấy phạm vi phân bố của mèo rừng và quần thể của chúng đang bị suy giảm do việc giết hại và làm suy thoái môi trường sống cũng như thức ăn của chúng. Chúng cũng được bảo vệ trong công ước quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã quý hiếm.