Để thu hút thí sinh (TS) xét tuyển nguyện vọng, nhiều trường đã “tung chiêu” mời chào.
Nhiều trường không đạt 1/5 chỉ tiêu
Do phổ điểm trung bình của TS dự thi năm nay quá thấp nên dù điểm chuẩn dự kiến có bằng điểm sàn của Bộ GDĐT thì số TS trúng tuyển của nhiều trường ĐH cũng không đạt 1/5 chỉ tiêu. Trường ĐH Đại Nam chỉ có 119 TS đạt 13 điểm trở lên (tạm tính với điểm sàn của Bộ GDĐT năm 2011).
“Cuộc chiến” xét tuyển nguyện vọng để tuyển đủ chỉ tiêu của các trường năm nay dự báo sẽ rất căng thẳng (ảnh minh hoạ) |
Với chỉ tiêu là 1.600 thì dù dự kiến điểm đỗ NV bằng điểm sàn, trường này vẫn phải đối mặt với nguy cơ khó tuyển đủ. Tương tự, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng chỉ có 279 TS đạt từ 14 điểm trở lên. Nếu so với chỉ tiêu tuyển sinh “khổng lồ” được giao, trường sẽ phải tuyển tới 1.200 chỉ tiêu các NV.
Nhiều trường ĐH phía Nam cũng rơi vào tình cảnh tương tự. ĐH Xây dựng Miền Tây năm nay tuyển sinh 1.400 chỉ tiêu, trong đó có 300 chỉ tiêu của 2 ngành Kiến trúc và Công trình xây dựng, nhưng chỉ có 39 TS khối V và 53 TS khối A của 2 ngành này được điểm trên 13.
Ông Nguyễn Văn Xuân - Trưởng phòng Đào tạo của trường cho biết: “Tính cả điểm ưu tiên khu vực và đối tượng, trường vẫn không thể đủ TS ở NV1 với mức điểm bằng sàn. Dự kiến trường sẽ xét tuyển NV2 cho các ngành này cũng bằng điểm sàn của Bộ”.
Bi đát hơn, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành chỉ có 185 TS đạt 13 điểm trở lên trên tổng số 1.500 chỉ tiêu. Trường này dự kiến sẽ phải xét tuyển hàng ngàn chỉ tiêu với mức điểm từ sàn. Đồng cảnh ngộ, Trường ĐH Trà Vinh có tổng số 3.202 TS dự thi nhưng chỉ có 302 TS đạt tổng điểm 3 môn từ 13 trở lên, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh lên đến 3.300 sinh viên. Trường ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) có tổng chỉ tiêu là 700, nhưng số TS đạt 13 điểm trở lên của trường chỉ có 97/1.300 TS dự thi…
Tung học bổng “khủng” mời chào thí sinh
Ông Đặng Ứng Vận - Hiệu trưởng Trường ĐH Hoà Bình lo ngại: “Nếu như năm nay Bộ GDĐT vẫn giữ mức điểm sàn như năm trước thì các trường dân lập khó mà tuyển đủ chỉ tiêu”. Cũng theo ông Vận, mức điểm sàn cần tính toán sao cho dư được 20% TS (có điểm trên sàn) thì mới có cơ hội cho các trường top dưới tuyển được sinh viên.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng bày tỏ, trường muốn tồn tại được phải có sinh viên, nếu không tuyển đủ chỉ tiêu thì nhiều ngành sẽ đối mặt với nguy cơ đóng cửa. Năm nay, các trường còn phải đối mặt với lượng TS ảo lớn nên “cuộc chiến” xét tuyển sẽ rất khốc liệt.
Để đối phó với nguy cơ khó tuyển, nhiều trường đã nhanh chóng đưa ra các chiêu quảng bá thu hút khá hấp dẫn.
Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP. Hồ Chí Minh thông báo năm nay có 3 loại học bổng “khủng”: Học bổng toàn phần trị giá 360 triệu đồng cho mỗi TS trúng tuyển NV1 đạt điểm thi 21 trở lên; học bổng toàn phần trị giá 290 triệu đồng cho mỗi TS đỗ NV2 vào trường với điểm thi từ 21 trở lên và nhiều mức học bổng có giá trị từ 30 – 50 triệu đồng cho các TS đăng ký xét tuyển NV có điểm thi từ 18 - 21 điểm.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng dành trên 5 tỷ đồng cho tân sinh viên. Trong đó, học bổng tài năng vượt khó cho TS có đầu vào đạt 22 điểm trở lên và thuộc diện gia đình khó khăn, mức 10 triệu đồng/ năm và miễn 100% học phí. Ngoài ra, thí sinh xét tuyển NV có điểm cao hơn sàn từ 3 – 7 điểm sẽ nhận học bổng từ 3 – 7 triệu đồng.
Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn dành 100 suất học bổng toàn phần, trong đó có 80 suất cho chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt (trị giá gần 200 triệu đồng/suất) và 20 suất cho chương trình dạy bằng tiếng Anh (gần 500 triệu đồng/suất). Ngoài ra còn nhiều mức học bổng tương ứng 5 - 20% học phí...
Tùng Anh