Dân Việt

Người Hre “trồng” cây rơm để cứu trâu, bò

24/08/2012 13:59 GMT+7
(Dân Việt) - Từ sự tích cực vận động của các cấp ngành, hội đoàn thể, nhiều bà con người dân thiểu số miền núi huyện Ba Tơ đã biết dựng cây rơm để làm thức ăn cho trâu, bò.

Nhờ vậy hàng trăm con trâu bò đã thoát chết do đủ thức ăn trong mùa mưa, lạnh.

Cũ người, mới ta

“Với người dân đồng bằng thì chuyện trồng cỏ, trữ rơm rạ để làm thức ăn cho trâu bò trong mùa đông là việc làm rất bình thường. Thế nhưng với người Hre ở Ba Tơ và đồng bào thiểu số ở các huyện miền núi khác của Quảng Ngãi thì đây là chuyện rất lạ” - ông Nguyễn Thanh Lục - Phó Trạm Khuyến nông huyện Ba Tơ, mở đầu câu chuyện.

img
Nhiều gia đình ở miền núi đã nuôi bò nhốt chuồng thay cho thả rông như trước đây.

Do chăn thả rông quanh năm, nhốt chuồng thùng (không có mái che), thức ăn thì dựa vào nguồn cỏ mọc tự nhiên trên rừng, đồi nên năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa, đông lạnh là trâu, bò ở miền núi chết vì đói, rét, với số lượng vài trăm con, có năm lên đến cả ngàn con.

Qua thống kê trong vòng ba năm nay, số trâu bò ở Ba Tơ chết do đói vào mùa mưa giảm còn từ 50-70 con/năm. Tính bình quân giá của trâu, bò là 5 triệu đồng/con, thì số thiệt hại đã giảm phải đến tiền tỷ.

Điển hình như đợt mưa, lạnh năm 2008, trên 700 con trâu, bò ở Ba Tơ đã chết vì đói, rét. Ông Phạm Văn Lã (thị trấn Ba Tơ) kể: “Chỉ trong vòng chưa đến 2 tuần, 5 con trâu của gia đình tôi chết vì đói lạnh”. Ông Huỳnh Thành Lam (tổ dân phố 4, thị trấn Ba Tơ) cũng cho hay: Trời mưa lạnh, còn thức ăn thì không có nên cả đàn bò 6 con của gia đình ông chết hết.

“Thế nhưng vài ba năm nay, trâu bò hết chết rồi”. Dứt lời, già Phạm Văn Đênh (xã Ba Dinh) chỉ về phía cây rơm khá to nằm cách đầu sàn nhà hơn 100m, nói tiếp: “Số rơm này mấy đứa con chở về cách đây 2 tháng, để dành cho 5 con trâu ăn trong mùa mưa đến, để nó khỏi bị chết đói”.

Giảm thiệt hại tiền tỷ

Mô hình cây rơm chống đói cho trâu bò vào mùa đông ở Ba Tơ triển khai từ năm 2004, với số lượng là 10 cây/năm (1 tấn rơm/cây), trị giá từ 200-250.000 đồng/cây. Thế nhưng mô hình này 3-4 năm trở lại đây mới thật sự được người dân hưởng ứng, làm theo. “Nguyên nhân là do nhận thức của người dân hạn chế, tập quán chăn nuôi theo kiểu thả rông... đã tồn tại từ bao đời nay nên không dễ thay đổi” - ông Lục tâm sự.

Vì vậy mới có chuyện khi đến tận nhà vận động tuyên truyền, dù nói nhiều, đồng bào vẫn xua tay, lắc đầu: “Con trâu của mình nó quen ở ngoài rừng ăn cỏ, ăn rạ tươi rồi, không ăn được rạ khô đâu, nên mình không làm”.

Thế nhưng nhờ sự kiên trì vào cuộc của các cấp ngành, hội đoàn thể, đồng thời sau khi thấy qua nhiều mùa mưa, lạnh, số trâu, bò của những gia đình có rơm dự trữ không bị chết đói nên người dân đã bắt đầu làm theo. Và đến thời điểm này số hộ chăn nuôi trâu bò trong huyện đã làm cây rơm chiếm tỉ lệ trên 70%, trong đó ở những xã có đàn trâu bò lớn thị trấn Ba Tơ, Ba Cung, Ba Vì, Ba Dinh... thì tỉ lệ này ước lên đến 80-90%.

Nhờ vậy mà số trâu bò chết trong mùa mưa, rét ở Ba Tơ đã được hạn chế đến mức tối đa. Ông Lục khẳng định: Qua thống kê trong vòng ba năm nay, số trâu bò ở Ba Tơ chết do đói vào mùa mưa giảm còn từ 50-70 con/năm. Tính bình quân giá của trâu, bò là 5 triệu đồng/con, thì số thiệt hại đã giảm phải đến tiền tỷ.

“Cùng với cây rơm, mô hình trồng cỏ để làm thức ăn cho gia súc nói chung ở Ba Tơ cũng đã được triển khai và nhân rộng, với diện tích hiện gần 15ha. Trong năm nay, chúng tôi dự kiến sẽ hỗ trợ cho người dân để trồng thêm từ 3-4ha cỏ nữa” - ông Lục cung cấp thêm.