Tác phẩm "Ước nguyện ngàn năm”. |
Mùa thu 2006, đi trên đất Hà Nội trong tiết heo may, nghĩ đến Đại lễ, ông Võ Văn Quân, người sáng lập XQ Việt Nam đã tự hỏi: "Một môn nghệ thuật lâu đời của người Việt liệu có thể làm sang cho dân tộc và cho nền văn hóa dân tộc được không? Tranh thủy mặc, Đường thi đã làm sang cho đất nước Trung Hoa. Thơ Haiku làm sang cho người Nhật, kiến trúc gôtic đã làm nổi bật Paris của nước Pháp... Còn nghệ thuật thêu tay truyền thống của Việt Nam, tại sao chưa làm sang cho người Việt!?".
Trăn trở ấy đã nhận được sự đồng cảm của Thành ủy và UBND TP.Hà Nội. Ông Quân nhớ lại, trong tâm trạng phấn chấn, ông đã cùng các nghệ sĩ sáng tác chủ chốt của XQ bước vào cuộc "trường chinh" để đời. Và những ngôi chùa cổ Việt Nam, những đóa hoa sen tinh khiết vươn lên từ bùn đất... đã trở thành cảm hứng sáng tạo của "Ước nguyện ngàn năm Thăng Long".
Cảm xúc của nghệ nhân Hoàng Lệ Xuân - người chỉ đạo nghệ thuật của XQ vẫn còn tươi rói về những ngày thêu dệt "Ước nguyện ngàn năm Thăng Long": Không có cảm giác mình đang thêu nữa mà là đang cất cánh bay vào trời xanh hòa bình tự do".
Bức tranh thêu khổng lồ (3x4m) hoàn thành sau đúng 1.000 ngày. "Ước nguyện ngàn năm Thăng Long" đã làm một cuộc hành hương về cội, khởi hành từ Đà Lạt sử quán ngày 2-9-2010 qua 15 tỉnh thành và về nơi khởi kết mũi chỉ đầu tiên là Thăng Long - Hà Nội là ngày 24-9.
Ông Võ Văn Quân nói, ông đã hết sức cảm động khi đón nhận tình cảm của nhân dân các tỉnh thành là những món quà mọn: Chùm trái cây, chai rượu quê, đĩa xôi nếp, nén hương trầm gói gém tấm lòng của người dân… gửi về Thủ đô ngàn năm cùng "Ước nguyện ngàn năm Thăng Long".
Sáng 28-9, tại Điện Kính Thiên trong khu Di tích Hoàng Thành Thăng Long, XQ Việt Nam đã thực hiện nghi lễ trao tặng tác phẩm “Ước nguyện ngàn năm Thăng Long” cho nhân dân Thủ đô.
Minh Tâm