Dân Việt

Phố tên người

03/10/2010 17:14 GMT+7
(Dân Việt) - Hà Nội đã bắt đầu Đại lễ kỷ niệm ngàn năm từ Thăng Long. Bao thế hệ tiền nhân hữu danh và khuyết danh đã làm nên đất nước, làm nên kinh thành. Những người khuyết danh để lại tên tuổi họ cùng cỏ cây sông nước xóm làng.

Những người hữu danh được lưu tên trong sử sách, được các đời sau nhắc nhở, được lấy tên đặt cho các địa điểm cụ thể. Thăng Long - Hà Nội ngàn năm có biết bao đường phố mang tên các danh nhân, các anh hùng, chí sĩ, các nhà văn hóa, quân sự. Mà không chỉ thủ đô, ở các thành phố tỉnh thành nào cũng đều có những con đường, con phố mang tên các nhân vật lịch sử chung của cả nước, và riêng của từng vùng miền, từng địa phương.

Những nhân vật lịch sử nổi tiếng rộng khắp thì ai cũng biết, nhưng phần nhiều là không biết chắc. Còn những nhân vật lịch sử ít nổi tiếng hơn, nhất là ở địa phương, thì hầu như ít ai biết. Đi trên một đường phố mang tên danh nhân, anh hùng, mà không biết họ sống thời nào, họ là ai, thì cảm giác vừa xấu hổ cho mình, vừa băn khoăn cho người đặt tên phố.

Giả sử rồi đây Hà Nội sẽ có thêm một đường phố mang tên Đào Cam Mộc thì dân chúng đi đường và nhất là dân cư sống tại đường đó, phố đó, sẽ lại khó biết ông này là ai.

Đào Cam Mộc là một đại thần thời Tiền Lê, dưới thời Vua Lê Long Đĩnh. Khi Lê Long Đĩnh mất, ông đã thay mặt bá quan văn võ dâng lời mời Lý Công Uẩn lên ngôi vua. Lời tâu mời của Đào Cam Mộc đã giúp Lý Công Uẩn quyết tâm hơn trong việc nhận lấy sứ mệnh lịch sử của trời và người đặt vào mình, lập nên nhà Lý, tạo ra Thăng Long.

Để giúp người qua đường, dù hững hờ đến mấy, bận rộn đến mấy, cũng có thể nhìn biển tên đường phố mang tên người mà biết người đó là ai, thì việc đơn giản chỉ là thế này thôi: Thêm vào dưới họ tên nhân vật hai chùm con số niên đại năm sinh năm mất và một danh xưng của người đó.

Thí dụ: Lý Thái Tổ (974-1028), vua sáng lập triều Lý; Trần Hưng Đạo (1228-1300), nhà quân sự, Nguyễn Du (1765-1820), nhà thơ, Nguyễn Tuân (1910-1987) nhà văn… Chỉ nhìn vào hai yếu tố sau tên gọi là đã đủ cho người nhìn vào biết ngay nhân vật đó là ai và sống ở thời nào. Từ đó nếu muốn biết thêm, hiểu sâu thì về tra sách vở.

Vâng, ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, chỉ xin đề xuất một việc như thế. Một việc đơn giản cho biển phố mang tên người: Họ tên, niên đại, chức danh. Hà Nội làm trước và làm được thì các phố thị trong cả nước sẽ làm được. Như thế, các bậc tiền nhân, danh nhân được xưng tụng, lưu danh mới khỏi chạnh lòng khi nhiều con cháu không biết họ là ai.