Trên thực tế, ở nước ta trong những năm đổi mới, bệnh quan liêu và tham nhũng là hiện tượng nhức nhối trong xã hội, là một trong những nguyên nhân làm giảm lòng tin, uy tín lãnh đạo của Đảng. Để xây dựng chỉnh đốn Đảng, cần đặc biệt coi trọng công tác kiểm tra trong Đảng và trong bộ máy công quyền, mà trước hết kiểm tra các tổ chức Đảng và đảng viên có những dấu hiệu vi phạm cương lĩnh, điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng... nhất là ngăn chặn, phát hiện, xử lý có hiệu quả các cán bộ, đảng viên tham nhũng. Chúng tôi xin đề xuất với Đại hội lần thứ XI của Đảng, 4 kiến nghị trong công tác kiểm tra dưới đây:
1. Về mặt tổ chức các cơ quan kiểm tra: Cần tạo cơ chế để các cơ quan này hoàn toàn độc lập trong hoạt động kiểm tra, không bị phụ thuộc và bị chi phối bởi thủ trưởng cấp trên. Uỷ ban kiểm tra các cấp phải do đại hội bầu trực tiếp. Thủ trưởng chính quyền không kiêm trưởng ban chống tham nhũng. Việc kiểm tra, thanh tra cần phải được thực hiện một cách độc lập, chuyên nghiệp, minh bạch và có trách nhiệm trên cơ sở tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh cơ chế kiểm tra, thanh tra.
2. Khi phát hiện có các dấu hiệu vi phạm (căn cứ vào nhiều nguồn thông tin: Từ nội bộ Đảng, từ đơn thư tố cáo của công dân, của các tổ chức chính trị - xã hội và các đoàn thể nhân dân, từ các cơ quan báo chí…), cơ quan kiểm tra, chống tham nhũng phải vào cuộc quyết liệt, phải kiểm tra đến cùng, tránh nửa vời, nhẹ trên, nặng dưới, xử lý rồi vẫn đương chức, vẫn đề bạt.
Kiểm tra cần truy rõ nguyên nhân, quy rõ trách nhiệm và phải xử lý nghiêm các vi phạm (kỷ luật đảng, chính quyền) bồi thường thiệt hại cho tập thể; bảo vệ nhân phẩm, chính trị, kinh tế của cá nhân công dân tham gia chống tham nhũng. Theo chúng tôi, khi đã phát hiện làm rõ những cán bộ tham nhũng, mua quan bán chức, Đảng cần loại họ ra khỏi bộ máy lãnh đạo của Đảng cũng như chức vụ trong các cơ quan công quyền. Mặt khác, tuỳ mức độ, cần có hình thức kỷ luật tổ chức Đảng có cá nhân đảng viên vi phạm kỷ luật đảng, tham nhũng.
3. Nhiều nơi, sau giải quyết các vụ việc, ở cơ quan, đơn vị được thanh tra, kiểm tra, nhiều vấn đề vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, để lại nhiều hậu quả kéo dài. Do đó, sau khi đã xử lý, chưa phải mọi chuyện đã hoàn tất, còn tiềm ẩn nhiều nguyên nhân dẫn đến bất ổn, phải rất quan tâm giải quyết những vấn đề phát sinh của các tổ chức sau kiểm tra, thanh tra.
4. Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh các nguyên tắc, các quy trình công tác kiểm tra trong Đảng; bổ sung, hoàn chỉnh Luật Phòng chống tham nhũng đã ban hành.
TS Đặng Đình Tân