Dân Việt

Giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri: Còn nhiều tồn tại, hạn chế

02/10/2010 13:02 GMT+7
(Dân Việt) - Ngày 1-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri từ sau Kỳ họp thứ 7 đến Kỳ họp thứ 8.

Báo cáo kết quả giám sát, Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho biết: Qua theo dõi việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ Kỳ họp thứ hai đến Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XII cho thấy, cử tri có nhiều kiến nghị về các vấn đề liên quan đến hoạt động điện lực; việc lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu và việc kiểm tra, ngăn chặn, xử lý tình trạng gian lận trong kinh doanh bán lẻ xăng dầu; việc thực hiện một số quy định về Bảo hiểm y tế. 

img
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trong một buổi tiếp xúc, lắng nghe ý kiến cử tri

Ban Dân nguyện đã tổ chức giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri về các vấn đề nêu trên với kết quả: Mục tiêu chiến lược đề ra đến năm 2010 đưa điện về nông thôn, miền núi đạt 90% số hộ, đến nay đã đạt trên 95%, hiện đã có 98,16% số xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia. Tình trạng gian lận thương mại trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu diễn ra ở nhiều nơi với thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây thiệt hại đến lợi ích của người tiêu dùng; công tác chống gian lận trong việc kiểm tra, xử lý các hành vi gian lận này vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Việc ban hành văn bản hướng dẫn cũng như tổ chức thực hiện cấp thẻ Bảo hiểm y tế với trẻ em dưới 6 tuổi; đổi thẻ với người có công với cách mạng, người nghèo, việc thanh toán bảo hiểm y tế với trường hợp bị tai nạn giao thông... còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Y tế với các bộ có liên quan.

Phát biểu về vướng mắc trong việc thu, nộp bảo hiểm y tế với học sinh, sinh viên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết: Luật Giáo dục và Luật Bảo hiểm y tế chưa đồng nhất. Phải xác định Luật Bảo hiểm y tế là luật chuyên ngành, còn Luật Giáo dục là luật chung. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, việc đầu tư lưới điện mới đạt 74% theo quy hoạch có nhiều nguyên nhân, trong đó thiếu vốn và sự thiếu mặn mà của các nhà đầu tư là các lý do chính.

Ban Dân nguyện đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các Bộ Công Thương, Tài chính, Y tế trong phạm vi trách nhiệm của mình phối hợp với các bộ, ngành hữu quan kịp thời rà soát các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Điện lực, Luật Bảo hiểm y tế, Pháp lệnh giá, có kế hoạch, tiến độ cụ thể về việc ban hành, sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa phù hợp với các quy định của luật, pháp lệnh này.