Khi đồng không cá
Thèm lắm mùi cá linh nấu me ăn với bông điên điển nên khi vừa đến Cần Thơ, chúng tôi vọt ra chợ, hết chợ Phụng Hiệp, qua chợ Ô Môn vẫn không thấy bóng con cá nhỏ trắng xinh xinh.
Mấy chị bán hàng trề môi: "Dân Bắc mới vô nên không biết hả! Không có lũ, lấy đâu ra cá linh". Chúng tôi quyết định xuyên qua vùng châu thổ trong mùa lũ muộn…
Anh Thiệt, anh Đực ở xóm chài đầu nguồn sông Tiền (xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) suốt mùa phải treo lưới vì không có cá. |
Khi đi qua xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, Long An, dưới con sông nước cạn, vợ chồng anh Trần Văn Giỏi đang lui cui gỡ rác vướng trong cái chài đã cũ. Cả tiếng đồng hồ quăng chài mà chỉ bắt được mấy con cá nhỏ xíu. Anh Giỏi cười trừ: "Nước mới đến bắp vế, cá ít lắm nhưng hổng lẽ ở nhà chơi không? Thôi ra quăng chài kiếm đại vài con chơi".
Nói rồi, anh bế con về trước để mặc chị vợ loay hoay với đống lưới rối tung và cái thùng đựng cá trống trơn. Với anh Giỏi, mùa nước là để "kiếm đại vài con cá chơi", nhưng có một vùng đất, mùa nước là mùa kiếm cơm duy nhất cho cả 12 tháng dài dằng dặc trong năm. Thế nhưng năm nay anh và bà con trong vùng mòn mỏi chờ đợi lũ về nhưng chờ hoài vẫn không thấy...
Chúng tôi đến ấp Vĩnh Hòa (xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, An Giang) - một rẻo đất nhỏ xíu nổi lên giữa bốn bề sông nước. Cả ấp có 700 hộ dân, 2.500 nhân khẩu, nhưng chỉ có 16ha đất nông nghiệp.
Tính bình quân, mỗi nhân khẩu canh tác… 68m2 đất nông nghiệp. Đời sống người dân ấp Vĩnh Hòa cực kì khó khăn do thu nhập bấp bênh. Mùa nước nổi là mùa kiếm tiền của những nông dân không đất xứ này. Hơn 70% dân Vĩnh Hòa sống nhờ con tép, con cá mùa lũ. Năm nay lũ chưa thấy về, mảnh đất này lại tiêu điều.
Trước đây, vào mùa lũ, dân vùng này có nghề bắt cua. Mỗi ngày, một xuồng hai người có thể bắt được gần 100kg cua với giá trung bình 5.000 đồng/kg, trừ chí phí cũng có thể sống lai rai qua 6 tháng mùa nước nổi
Anh Trần Văn Xèng ngồi buồn so trước đống lọp (dùng để bắt cua) khô cong trước cửa. Mỗi chiếc lọp giá 5 - 7 nghìn đồng tùy tốt xấu. Như mấy nông dân cùng xóm, Xèng mua 200 cái lọp từ hồi tháng 6 mà đợi hoài chẳng thấy nước lên. Thở dài ngao ngán khi nghe hỏi chuyện làm ăn, Xèng cười miệng méo xẹo: "Hết mùa mà không thấy lũ lên hổng lẽ cho mấy cái lọp này vào nồi luộc mà ăn?".
Ông Lê Minh Phượng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hội Đông cho biết, năm nay mùa lũ muộn nên đời sống người dân nghèo vùng này sẽ càng khổ hơn. Mọi năm, ngoài cua, ốc, người dân còn có thể đánh bắt cá linh, bắt chuột, hái bông súng, bông điên điển… để cải thiện cuộc sống. Năm nay, cái đói, cái nghèo là không thể tránh được.
Cá nuôi bị bỏ đói
Sang năm, cả vùng sẽ phải dùng giống cá tra nuôi (thứ cá yếu, dễ bị bệnh, chết, tăng trưởng kém hơn so với cá giống tự nhiên). Mùa lũ muộn đã sớm cảnh cáo những người nuôi cá tra của vựa cá tra lớn nhất cả nước.
Cách vùng đất "không có đất lại không có nước" này gần 300km, người dân tổ 1 thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh cũng buồn hiu ngồi ngóng lũ giữa bầy cá lóc đang quẫy sùng sục vì… đói.
Mọi năm, cứ đầu mùa lũ hàng trăm hộ nuôi cá tại đây lại bắt đầu thả cá. Chừng một tháng, vào thời kì cá tăng trọng nhanh thì đúng vào đỉnh lũ. Tính toán như vậy bởi thời điểm cá cần nhiều thức ăn nhất cũng là lúc cá tạp (cá nhỏ) ồ ạt từ Biển Hồ kéo về theo con nước.
Lúc này thức ăn nuôi cá lóc giá rẻ như bèo, như con cá linh gọi là "đặc sản" cũng tính bằng giạ, bằng thúng. Anh Nguyễn Thanh Vững - Tổ trưởng tổ nuôi cá tại đây bần thần: "Làm sao với lũ cá đói này bây giờ. Mọi năm, lũ lớn, giá cá mồi (chủ yếu là cá linh) chỉ 3.000 đồng/kg. Hiện nay cá linh hơn 40.000 đồng/kg, tính ra mắc hơn cả cá lóc. Mua cá biển làm cá mồi thì mắc quá, vụ này chắc lỗ sặc gạch".
Nguồn thức ăn khác cho cá lóc cũng bị phụ thuộc vào mùa lũ: ốc bươu vàng. Nhưng trên những cánh đồng khô khốc nơi đây, may ra chỉ có thể tìm được ốc… sên, chứ lấy đâu ra ốc bươu vàng.
Bản báo cáo kinh nghiệm của anh Vững- nông dân SXKD giỏi 6 năm liền này bỗng phải thay đổi vài con số: Bản báo cáo đầu mùa lũ còn ghi rành rọt: "Hiệu quả của việc nuôi cá lóc rất bền vững: Ao nuôi 100m2, thả 2.000 con giống, sau ba tháng thu hoạch 1,8 tấn cá, chi phí 20 triệu, bán cá được 35 triệu", theo tính toán nếu với giá cá vụn như hiện tại thì chi phí nuôi sẽ đội lên đến gần 50 triệu.
Lũ không đến đã phá hỏng tất cả! Hỏng bản báo cáo, cả lũ cá háu đói và phá hỏng cả miếng cơm manh áo của những người dân tổ 1, thị trấn Tân Thạnh.
Không chỉ nơi này mà các vùng khác tại ĐBSCL, cá lóc nuôi đang bị đe dọa vì một nạn đói hứa hẹn sẽ kéo dài.
Người còn đang khốn đốn thì cá bị đói cũng là chuyện thường!
Nam Hải - Hữu Danh