* Nghệ An: Ngày 3-10, cháu Hoàng Thị Loan (học sinh lớp 7, Trường THCS Diễn Trung, hiện Diễn Châu cùng anh trai và 3 người bạn rủ nhau ra khu vực bờ biển xóm 14, xã Diễn Trung để nhặt ve chai kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Thấy nhiều chai nhựa dập dềnh sát mép nước, Loan lội ra nhặt thì một con sóng lớn cuốn ra xa. Thi thể Loan vẫn chưa được tìm thấy.
Trước đó, đêm 1-10 khi cùng chồng đi chơi về qua đập Ná, chị Dương Thị Bảy (39 tuổi) ở xóm Phúc Giang xã Phúc Thành - Huyện Yên Thành đã bị nước cuốn trôi, ngày hôm sau mới tìm được xác.
Sáng 2-10, tại đập tràn Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, một học sinh THPT dắt xe qua đập tràn bị nước lũ cuốn trôi.
Ở huyện Yên Thành, chiều 2-10 bà Nguyễn Thị Thu (60 tuổi) trú tại xã Hậu Thành và ông Trần Đăng Khôi ở xã Phúc Thành bị sét đánh chết khi đang chăn trâu ngoài đồng. Trưa 1-10 Chị Nguyễn Thị Thơ, (45 tuổi) ở xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương đang ngồi trong nhà bị sét đánh cháy một mảng lớn ở lưng, đùi và cổ tay trái.
Đội cứu hộ đưa mì tôm cho người dân mắc kẹt tại trường học ở huyện Minh Hóa, Quảng Bình. Ảnh: Phan Phương |
* Quảng Bình: Đến 17 giờ ngày hôm qua (4 -10) mưa lớn cùng với nước từ thượng nguồn đổ về làm mực nước các con sông trên địa bàn tỉnh này vượt mức báo động 3, khoảng 22.000 ngôi nhà dân chìm sâu trong nước… Theo ông Hoàng Minh Đề - Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa, toàn huyện hiện có 8.000 ngôi nhà bị ngập từ 0,5 - 2m; lương thực, gia súc của nhiều hộ dân bị lũ cuốn trôi. Học sinh toàn huyện phải nghỉ học (2 ngày) do trường bị ngập. Tại 2 huyện vũng trũng Quảng Ninh và Lệ Thủy có gần 10.000 ngôi nhà dân đang ngập sâu từ 1-2m.
Đến 22 giờ ngày 4-10, toàn tỉnh có 3 người chết do nước lũ cuốn trôi. Đó là anh Trần Vân Anh ở thôn Ngọn Rào (xã Xuân Trạch, Bố Trạch) và ông Đoàn Xuân Toản ở thôn Tiên Phong (Quảng Tiên, Quảng Trạch). Người thứ 3 vẫn chưa rõ danh tính.
Sáng 4 -10, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình tổ chức nhiều đoàn cán bộ về các địa phương trực tiếp chỉ đạo chống lũ. Chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Bình là hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do lũ gây ra, đặc biệt là không để chết người và dân đói.
Các lực lượng cứu hộ tìm mọi cách để tiếp cận với các khu vực bị cô lập như vùng đồng bào Rục, xã Tân Hóa (Minh Hóa); 9 xã vùng nam huyện Quảng Trạch; đưa lương thực (trước mắt là mì tôm) đến cứu trợ cho dân.
* Quảng Trị: Lũ lớn đã làm ít nhất 3 người chết, nhiều người bị thương. Theo thống kê của Ban chỉ huy PCBL tỉnh Quảng Trị, đến chiều 4-10, hơn 2.000 nhà dân ở vùng trũng huyện Hải Lăng, Triệu Phong bị ngập từ 0,5-1,5m nước, giao thông bằng ô tô đi lại trong vùng bị ách tắc. Theo UBND huyện Hải Lăng, hơn 400 hộ gia đình ở các xã Hải Chánh, Hải Lâm và Hải Sơn phải di dời lên vùng cao tránh lũ. Tại thôn Trung An (xã Hải Khê, huyện Hải Lăng), một cơn lốc tràn qua làm hư hỏng 1 chiếc ghe và 8 nhà. Một cháu bé 2 tuổi tại xã Hải Sơn bị chết đuối.
Tại thị trấn Khe Sanh, một ngôi nhà gần cống thoát nước của QL9 đã bị mưa lớn làm sạt lở móng nên sập đổ hoàn toàn, vùi lấp cả 4 người đang ở bên trong. Một trong 2 người chết là chị Trần Thị Linh, chủ nhà.
* Thừa Thiên - Huế: Một cháu bé chưa xác định danh tính, trú ở phường Thuận Lộc đã bị chết đuối do ngã xuống sông Ngự Hà. Sáng 4-10, mưa lũ đã làm cô lập hoàn toàn xã rốn lũ Phong Bình (huyện Phong Điền). 100% các tuyến đường liên xã và tuyến QL 49B đi qua địa bàn xã bị ngập sâu từ 1- 2,5 m. Lũ cũng nhấn chìm hơn 80% hộ dân trong tổng số 1.668 hộ trên địa bàn xã, trong đó hàng trăm hộ bị ngập sâu từ 2- 3m.
Ông Lê Phước Phú - Chủ tịch UBND xã Phong Bình (Phong Điền cho biết: “Nước lũ dâng cao đã làm các thôn của xã bị cô lập hoàn toàn. Tất cả các diện tích sắn và ao hồ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã đã bị lũ nhấn chìm, gây thiệt hại nặng nề cho người dân”. Theo ông Phú, điều lo nhất hiện nay là nước lũ sẽ ngâm dài ngày trong khi chất đốt và nước sạch của người dân không còn đủ...
Tiến Dũng - Phan Phương - Uyên Minh - An Sơn