Dân Việt

Sẽ xử lý cây lục bình thành phân hữu cơ

Quốc Ngọc 03/08/2013 23:50 GMT+7
Với hệ thống sông, kênh, rạch trải dài hơn 25km xuyên qua 7 quận huyện, TP.HCM luôn phải đối mặt với nạn cây lục bình sinh sôi dày đặc làm tắc dòng chảy, tích tụ rác, gây muỗi mòng và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho các khu dân cư.
Sau khi thực địa tại huyện Bình Chánh về sự vận hành của máy cắt, vớt do Trường Đại học Công nghiệp nghiên cứu chế tạo và kết quả bước đầu xử lý lục bình làm phân vi sinh của Trung tâm Công nghệ sinh học tại huyện Củ Chi, UBND TP.HCM đã thống nhất chủ trương phối hợp 2 quy trình trên nhằm giảm chi phí trục vớt, vận chuyển và tận dụng lục bình tạo thành các sản phẩm phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Quận Bình Thạnh được chọn để triển khai thí điểm trong tháng 7.2013. Theo ước tính của Sở NNPTNT, với cách làm như hiện nay, kinh phí để trục vớt, vận chuyển hết gần 300.000 khối lục bình trên hơn 25km sông, kênh, rạch của thành phố sẽ là 2,73 tỷ đồng.

Khu vực cầu Băng Ky, thuộc phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM, nổi tiếng với chuyện “cả xóm chơi quần vợt với muỗi” vì lục bình.
Khu vực cầu Băng Ky, thuộc phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM, nổi tiếng với chuyện “cả xóm chơi quần vợt với muỗi” vì lục bình.

TS Dương Hoa Xô - Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM - cho biết: Điều lo ngại là lục bình được trục vớt từ kênh rạch của thành phố có lẫn một lượng rác thải rất lớn, Trong khi đó, công nghệ ủ hoai của trung tâm phải mất từ 40 - 45 ngày cho quá trình phân hủy lục bình thành chất hữu cơ hoại mục. Mùi hôi sẽ kéo dài suốt quá trình này. Ngoài ra, một số chuyên gia lo lắng chất lượng phân bón từ giá thể hữu cơ lục bình trên các kênh rạch này liệu có bảo đảm tiêu chuẩn của ngành nông nghiệp?

Trả lời quan ngại này, ông Xô cho biết trung tâm của ông đã tiến hành thử nghiệm mẫu lục bình ở 12 địa điểm khác nhau tại quận 12, Bình Tân, Tân Phú, huyện Bình Chánh và Củ Chi để làm thành phẩm phân hữu cơ. Kết quả cho thấy hàm lượng asen, thủy ngân, chì và cadmium không vượt mức cho phép đối với phân hữu cơ theo Thông tư 36 của Bộ NNPTNT. Tuy nhiên, ông Xô cũng cho biết thành phố chủ trương chỉ sử dụng phân vi sinh lục bình cho công tác cải tạo đất canh tác, đất công viên, cây xanh, cây kiểng, chưa sử dụng bón cho rau, quả.