Dân Việt

Quy hoạch thủy lợi Đồng bằng sông Cửu Long: Xung đột lợi ích tôm – lúa

05/10/2010 11:20 GMT+7
(Dân Vịêt) - Nhiều nhà chuyên môn, nhà khoa học đã tranh luận gay gắt xung quanh “Báo cáo tổng thể quy hoạch thủy lợi khu vực ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng” vừa được Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam đưa ra trao đổi, lấy ý kiến.

Nhiều ý kiến khác nhau về lợi ích của các vùng chuyên nuôi tôm hoặc trồng lúa tại ĐBSCL đã khiến cho việc chọn lựa phương án thủy lợi cho vùng này chưa ngã ngũ...

Trong các phương án được đưa ra bàn thảo (chủ yếu là xây thêm đê bao, đê biển, mở rộng kênh chính, nâng đường, nạo vét cống… với kinh phí lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng), Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam đề xuất xây cống tại những cửa sông lớn như Hàm Luông, Tha La, Cổ Chiên, Cung Hầu, Vàm Cỏ… để ngăn mặn, trữ ngọt. Song vấn đề đặt ra là làm sao để vừa bảo đảm ổn định năng suất của các vụ lúa mùa, vừa không ảnh hưởng đến sản lượng thủy sản (chủ yếu là tôm)...

img
Ưu tiên nuôi tôm hay trồng lúa là vấn đề đang có tranh luận gay gắt.

Đại diện tỉnh Bạc Liêu cho biết: Giữa 2 tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng luôn xảy ra tranh cãi trong việc quy hoạch thủy lợi để phát triển cây lúa và con tôm sú. Nếu đắp đê ngăn mặn để phát triển cây lúa ở Sóc Trăng thì nguồn nước mặn không về được một số huyện của tỉnh Bạc Liêu, khi đó con tôm sú không còn đường để phát triển và ngược lại.

Cùng chung quan điểm, TS Nguyễn Minh Niên - Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 đồng tình: “ĐBSCL đóng góp 70% sản lượng thủy sản cho cả nước, nhưng quy hoạch thủy lợi cho nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu chưa được quan tâm đúng mức, ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi. Phải làm sao để mùa khô vẫn đảm bảo nước lợ nuôi tôm, mùa mưa thì có nước ngọt để trồng lúa, bởi 2 vấn đề này liên quan mật thiết đến đời sống người dân đồng bằng…”.

img Phải xem xét đến hiệu quả kinh tế của cây lúa và con tôm sú, cái nào đem lại hiệu quả cao hơn, để từ đó tính phương án có ngăn đê chống mặn hay không. img

Nhiều ý kiến bày tỏ một phần ủng hộ dự án của Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, nhưng mặt khác cũng chưa hoàn toàn thống nhất trong một số quan điểm mà Viện đề ra.

Trước việc có nhiều luồng ý kiến thắc mắc, tranh luận xung quanh vấn đề ưu tiên phát triển cây lúa hay con tôm, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học khẳng định: Việc quy hoạch thủy lợi khu vực ĐBSCL vô cùng cần thiết và cấp bách trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, vì đây là vùng chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, Bộ luôn cân nhắc và thận trọng trước việc tác động, ảnh hưởng của quy hoạch đến năng suất và sản lượng lúa, thủy sản của cả nước. Còn ông Nguyễn Ngọc Anh - Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam cho biết: Viện sẽ tiếp tục dự thảo lấy ý kiến để nhanh chóng tìm ra phương án hiệu quả nhất.