Dân Việt

Đói khát giữa biển nước

06/10/2010 06:18 GMT+7
(Dân Việt) - Do phải nhịn ăn từ sáng nên khi vừa nhận thùng mì ăn liền từ tay đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, cháu Nguyễn Thị Nhật con chị Lệ ở xóm 5, Phương Mỹ, Hương Khê, Hà Tĩnh đã mở ngay gói mì ăn ngấu nghiến.
img
Hàng nghìn ngôi nhà ở Hương Khê, Vũ Quang chìm trong lũ. Ảnh chụp sáng 5- 10.

Chúng tôi rời TP Hà Tĩnh lên vùng lũ với bà con nhân dân hai huyện miền núi Hương Khê, Vũ Quang trong màn mưa trắng xóa.

Ăn mì tôm qua ngày

Dọc hai bên đường từ trị trấn Phố Châu (Hương Sơn) đến địa phận huyện Hương Khê nước lũ phủ trắng mép đường, nhiều đoạn nước đã dâng cao mấp mé, xấp xỉ mặt đường. Theo quan sát của chúng tôi, nếu mưa vẫn tiếp tục kéo dài trong một vài ngày tới tình trạng ngập lụt và gây ách tắc trên tuyến đường này là điều không tránh khỏi.

Vượt qua chặng đường hơn 100km chúng tôi có mặt ở xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê. Hiển hiện trước mắt chúng tôi hàng trăm ngôi nhà, cột điện, cây cối chìm trong biển nước đỏ ngầu, mênh mông. Phải mất hơn một giờ đồng hồ chạy xuồng cao tốc chúng tôi mới vào được Phương Mỹ. Người dân lũ lượt dùng xuồng vượt lũ di dời người và đồ đạc.

“Nước đang lên rất mạnh, xã đã phải di dời 400 hộ gia đình đến nơi an toàn. Người dân đang rất lo lắng vì lương thực bị ướt, nước uống không còn, nhiều người dân bị cô lập trên nóc nhà” - Chủ tịch UBND xã Phương Mỹ Lê Hồng Quân lo ngại. Toàn bộ trường học, trụ sở ủy ban, trạm xá cao tầng trên địa bàn đã ngập sâu phân nửa. Nhiều đoạn mức nước dâng cao lên đến 5-6m. Toàn bộ học sinh ở hai huyện trên đã nghỉ học từ hôm 2-10.

Khi chiếc xuồng cao tốc của chúng tôi vượt qua khúc sông Ngàn Sâu, rất nhiều trẻ em ngồi trên xuồng đợi sẵn. Em Nguyễn Văn Tú năm nay mới 11 tuổi ở xóm 5 xã Phương Mỹ mếu máo: “Nước lũ lên nhanh, mấy ngày này bố mẹ của em đang tập trung vận chuyển đồ đạc, lương thực lên chỗ trú ẩn nên hai ngày này cả nhà chưa nấu một bữa cơm, chỉ ăn mì tôm qua ngày”.

Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Đinh Hữu Tân cho biết, lũ lụt về đúng vào thời điểm bà con nhân dân các địa phương đang tiến hành xuống giống vụ đông nên toàn bộ vụ đông đã được lũ “thu hoạch hộ”. Trước mắt huyện đang tập trung mọi nguồn lực để đối phó với cơn lũ, nhưng ông Tân cũng lo ngại rằng lũ đi qua cuộc sống của người dân nơi đây thật sự đáng lo ngại do mùa màng đã mất trắng.

Chung tay lo cho dân

Khi chúng tôi đang cố gắng len lỏi vào từng “ngõ ngách” của vùng lũ, đúng vào lúc đoàn cứu trợ của UBND tỉnh vừa mang hàng hóa cứu trợ đến cho người dân.

Chiếc xuồng cao tốc chở đồng chí Võ Kim Cự - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đến tận từng mái nhà để thăm hỏi động viên ân cần các gia đình đang phải gồng mình chống chọi với nước lũ.

Do phải nhịn ăn từ sáng nên khi vừa nhận thùng mì ăn liền từ tay đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, cháu Nguyễn Thị Nhật con chị Lệ ở xóm 5, Phương Mỹ đã mở ngay gói mì ăn ngấu nghiến. “Cháu đói quá! Hôm qua tới giờ gia đình cháu đang bận đi sơ tán” - cháu Nhật kể.

Để giúp dân chống lũ, tỉnh Hà Tĩnh đã huy động 200 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và 10 xuồng cao tốc để giúp đỡ và ứng cứu người dân trong vùng lũ. Với phương án 4 tại chỗ, kết hợp với sự hỗ trợ của các lực lượng vũ trang trong 2 ngày qua huyện Hương Khê và Vũ Quang đã tổ chức di dời 21.000 người dân đến nơi an toàn. Trước đó các địa phương đã chủ động cho bà con sơ tán toàn bộ gia súc, gia cầm lên vùng cao tránh lũ trước khi các vùng bị chia cắt.

UBND tỉnh Hà Tĩnh đã trích ngân sách dự phòng 1 tỷ đồng và 10 tấn mì ăn liền hỗ trợ cho các gia đình vùng lũ của hai huyện Hương Khê và Vũ Quang, đảm bảo đủ lương thực cho bà con vùng lũ trong vòng 1 tuần. Đồng thời chỉ đạo các ngành Y tế, Giáo dục, Điện lực... nắm bắt tình hình và có các giải pháp khắc hậu quả sau khi nước rút, đảm bảo an sinh xã hội.

Có thể khẳng định rằng cuộc sống của đa phần các hộ gia đình trong vùng lũ những ngày tới sẽ gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên chúng tôi cũng tin rằng với sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền các cấp và nỗ lực, kinh nghiệm từ bao đời nay của người dân sẽ giúp bà con nhân dân trong vùng lũ ở hai huyện Hương Khê và Vũ Quang sớm vượt qua khó khăn.